Búp bê phản kháng! Bài học lạ kỳ giúp bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em

“Nhờ xem kịch rối với những chú búp bê, các con nhớ rất rõ những bộ phận quan trọng của cơ thể nam, nữ; cũng như một số kỹ năng phòng, chống xâm hại. Chương trình rất bổ ích và ý nghĩa” - cô Hồng Mai, giáo viên Trường Tiểu học Marie Curie Hà Nội, bày tỏ sự tâm đắc.

“Con rất ghét chú ấy chạm vào người con, nhưng con không biết phải làm như thế nào cả” - một nhân vật rối có tên “Bé Hoa” nói trong ấm ức với một nhân vật rối khác đóng vai cô giáo. Nghe chuyện, cô giáo trấn an Hoa và nói với cô bé rằng, khi có ai đó động chạm vào cơ thể con hãy hét thật to: “Cháu không thích, chú đừng làm vậy!”, và con hãy nhanh chóng chạy đi tìm người lớn.

Trên đây là một trong những tình huống mà các em học sinh sẽ được xem tại trường của mình, nằm trong chương trình “Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em” (GPS) do tổ chức Good Neighbors thực hiện.

Búp bê phản kháng! Bài học lạ kỳ giúp bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Búp bê “biết” tự vệ, phản kháng

Xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối. Đa số trẻ em ở lứa tuổi mầm non và tiểu học hiện đều không có kỹ năng nhận biết, tự vệ trước các tình huống có nguy cơ bị xâm hại, bắt cóc.

Trẻ em, thậm chí cả người lớn, thường nghĩ chỉ có “người lạ” mới là mối nguy hiểm và tất cả những “người quen” đều an toàn với các em. Trong khi thực tế đa số những tình huống xâm hại tình dục đã xảy ra lại đến từ người quen, ví dụ như “chú”, “dượng”, “ông”..., và xảy ra ở trong nhà, gần nhà hoặc gần trường, trong trường học.

Trước thực trạng đó, từ năm 2014, tổ chức Good Neighbors đã phát triển một dự án giáo dục trực quan, mang tên “Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em” (GPS).

Ngay sau khi dự án ra đời, ở những điểm trường đầu tiên, GPS đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, tầng lớp trong xã hội. Ban đầu, nhiều người không khỏi thắc mắc, tại sao dự án lại sử dụng kịch rối và búp bê để giáo dục phòng chống xâm hại trẻ em?

Đại diện GNI cho biết: Khi trẻ bắt đầu đi học, tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, cũng là lúc trẻ đối diện với nhiều nguy cơ làm tổn thương hơn. Trong khi đó, việc giáo dục kỹ năng, an toàn cho trẻ cũng không đơn giản, những kiến thức mang tính sách vở, nặng về thuật ngữ, khái niệm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp thu.

Vì thế, đội ngũ dự án đã quyết định chọn kịch rối, sử dụng những chú búp bê gần gũi với trẻ để thu hút sự chú ý và khơi dậy hứng thú của trẻ với các bài giảng. Các câu chuyện giáo dục hay cách sử dụng ngôn từ trong từng bài giảng cũng được đội ngũ GNI biên soạn sao cho thật đơn giản, dễ tiếp thu với trẻ nhất có thể.

Búp bê phản kháng! Bài học lạ kỳ giúp bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 2.

Những chú búp bê được phân vai, được điều khiển để có thể di chuyển, cử động, tương tác, được lồng tiếp ngay tại sân khấu.

Những chú búp bê được phân vai, được điều khiển để có thể di chuyển, cử động, tương tác, được lồng tiếp ngay tại sân khấu. Mỗi chương trình biểu diễn thường kéo dài trong vòng 45 phút, cho khoảng 100 - 150 trẻ tham gia. Trên sân khấu, có tất cả 7 nhân vật sẽ lần lượt xuất hiện, có 1 giáo viên hướng dẫn, và 4 nhân sự diễn rối. Không gian thực hiện có thể là ngoài trời hoặc trong nhà, rộng rãi tùy thuộc quy mô từng buổi biểu diễn, tập trung vào 2 màn kịch chính.

Màn kịch thứ nhất là về “Tình huống xâm hại tình dục”, từ đó giáo viên tổng kết nội dung và giảng dạy về “Quy tắc đồ bơi”, quy tắc “3 bước bảo vệ bản thân”.

Màn kịch thứ hai là “Tình huống dụ dỗ bắt cóc”, sau khi trình diễn xong giáo viên tổng kết, hướng dẫn quy tắc “Khi có người lạ, người quen rủ đi chơi”, và thực hành một số tình huống như: Từ chối sự nhờ vả từ người lạ mặt, phản kháng mạnh mẽ khi bị động chạm/sờ mó cơ thể; bỏ chạy kịp thời và nhấn mạnh việc trẻ nhất định phải báo lại sự việc cho bố mẹ hoặc giáo viên…

Búp bê phản kháng! Bài học lạ kỳ giúp bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 3.

Học sinh được tiếp cận kiến thức chống xâm hại một cách trực quan, sinh động.

Gần gũi - Dễ hiểu - Dễ nhớ

Chị Vũ Thị Thùy Dương, cán bộ Phụ trách của GPS, cho biết ngay từ những ngày đầu khi triển khai dự án, các em học sinh đón nhận với rất nhiều háo hức. Đặc biệt, sự hào hứng này của các em học sinh còn được thể hiện rõ hơn tại những điểm trường nông thôn, miền núi, bởi đây là lần đầu tiên các em được tiếp xúc với phương pháp giáo dục đầy mới mẻ như vậy.

Không chỉ các em học sinh mà những buổi biểu diễn như vậy còn thu hút đông đảo sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh tại các thôn, bản.

Chị Dương vẫn nhớ mãi về một kỷ niệm khó quên trong lần triển khai dự án tại một điểm trường ở Hà Giang. Không chỉ có sự tham gia của các em học sinh mà gian phòng nhỏ đã được lấp đầy bởi tất cả những người dân trong bản. Từ những phụ nữ đã có gia đình đến những em bé còn bế trên tay cũng được mẹ bế theo để theo dõi buổi biểu diễn. Đây là điều khiến đội ngũ thực hiện rất bất ngờ bởi sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong việc nâng cao kỹ năng cũng như các biện pháp bảo vệ trẻ em ở những nơi điều kiện còn nhiều hạn chế.

“Những ánh mắt long lanh, háo hức theo dõi buổi biểu diễn càng tiếp sức cho đội ngũ giáo viên thực hiện những bài giảng (về chống xâm hại) nhiệt huyết hơn”, chị Vũ Thị Thùy Dương xúc động kể.

Phần quan trọng nhất trong mỗi bài giảng chính là thông qua những tình huống được minh họa bằng những chú búp bê để truyền tải một cách dễ hiểu nhất đến các em học sinh

Là một trong 176 điểm trường được tổ chức biểu diễn kịch rối, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Gia Mô huyện Tân Lạc, Hòa Bình cho biết:

“Các tiết học của dự án rất hay, có công cụ trực quan nên các em dễ tiếp thu hơn. Nhà trường mong muốn dự án sẽ tiếp tục đưa chương trình giảng dạy này đến với học sinh và mở rộng hơn với học sinh toàn trường để tất cả các em đều biết về các kiến thức Quyền trẻ em”.

"Đây là chương trình kịch rối đầu tiên mà các em học sinh ở trường được xem. Các em ở đây có kinh tế khó khăn, xa thị trấn (hơn 25km), điều kiện tiếp cận và học hỏi kiến thức và kỹ năng về phòng chống xâm hại hạn chế. Nhờ có GNI đem chương trình kịch rối đến đây để các em có thêm kiến thức bổ ích" - Thầy Phạm Duy, Hiệu trưởng trường TH&THCS Bắc Sơn huyện Hưng Hà, Thái Bình chia sẻ.

Tại những điểm trường ở Hà Nội, đội ngũ giáo viên GPS cũng rất bất ngờ và ấn tượng trước khả năng phản ứng của các em trong mỗi tình huống khi các em đã biết áp dụng những phương pháp bảo vệ bản thân khi gặp nguy hiểm.

Búp bê phản kháng! Bài học lạ kỳ giúp bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 6.

Cô Hồng Mai, giáo viên trường Marie Curie, tâm đắc: “Trước khi tham gia chương trình, các con đã vô cùng hào hứng. Đến khi xem kịch, các con rất tập trung lắng nghe và sôi nổi trả lời các câu hỏi mà ban tổ chức đưa ra. Các con nhớ rất rõ những bộ phận quan trọng của cơ thể nam, nữ; cũng như một số kỹ năng phòng, chống xâm hại. Chương trình rất bổ ích và ý nghĩa. Với hình thức kịch rối, các con đã được tiếp nhận nguồn kiến thức khoa học một cách gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ”.

Chị Dương cũng chia sẻ, hành trình suốt gần 10 năm qua của GPS cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Đơn cử như đến điểm trường ở vùng đồi núi cao, đèo dốc hiểm trở... đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, đi lại. Hay như việc tổ chức các tình nguyện viên, vì đa số là các bạn sinh viên nên việc sắp xếp thời gian để tham gia cũng gây trở ngại khi tổ chức các show diễn ở vùng sâu vùng xa.

Dù vậy, theo chị Dương, đến nay “Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em” đã cùng GNI tỏa rộng ra nhiều tỉnh thành từ Hà Nội đến Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa... Với hơn 536 buổi biểu diễn đã diễn ra tại hơn 100 trường, chương trình đến nay đã giúp 69.000 học sinh tiếp cận được với dự án đầy ý nghĩa này.

Và hành trình đầy ý nghĩa đó vẫn đang không ngừng “bay xa”.

Búp bê phản kháng! Bài học lạ kỳ giúp bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 7.

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng! Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

TỪ KHÓA: Human Act Prize