Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN) là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu vào năm 221 TCN. Tần Thủy Hoàng lên ngôi Tần vương từ năm 13 tuổi và trở thành Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc vào năm 38 tuổi.
Trong thời gian trị vì nhà Tần, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã thông qua một loạt cải cách lớn về kinh tế, chính trị, trong đó bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ.
Đặc biệt, vị hoàng đế nổi tiếng và quyền lực còn tiến hành nhiều đại dự án, bao gồm việc xây dựng trường thành ở phương bắc, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành, kênh Linh Cừ, cung A Phòng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng trị vì 37 năm, trong đó xưng vương 25 năm và xưng đế 12 năm. Ông qua đời vì bệnh vào năm 210 TCN ở tuổi 49.
Trong số các công trình khổng lồ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng có lăng mộ. Công trình này cho đến nay vẫn ẩn chứa nhiều bí mật chưa thể lý giải. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng ở trên núi Ly Sơn, cách thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) khoảng 30 km.
Một lần tình cờ, nhóm nông dân đào giếng đã phát hiện ra những bức tượng binh sĩ đất nung vào tháng 3 năm 1974. Sau đó, các nhà khảo cổ đã tiến hành nhiều đợt khai quật ở khu vực xung quanh lăng mộ. Dù lăng mộ của Tần Thủy Hoàng chưa bao giờ được mở ra, nhưng các nhà khảo cổ, chuyên gia đã phát hiện nhiều di vật, cổ vật quý giá ở khu vực gần lăng mộ.
Trong số này, có hai chiếc xe ngựa được làm bằng đồng vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 2.000 năm.
Cỗ xe độc nhất vô nhị của hoàng đế Tần Thủy Hoàng
Năm 1825, chuyến tàu hỏa chở khách đầu tiên trên thế giới lăn bánh ở Anh. Nhưng ít người biết rằng, hơn 2.000 năm trước, vào thời nhà Tần (221 TCN - 207 TCN), Trung Quốc đã có "xe giường nằm điều hòa" chạy trên đường ray chuyên dụng.
Minh chứng là chiếc xe ngựa đồng được khai quật ở phía tây của khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Hai chiếc xe ngựa đồng được tìm thấy trong lăng mộ của vị hoàng đế nổi tiếng có kích thước bằng 1/2 xe thật. Chúng được ví như hai cỗ siêu xe vào thời điểm đó.
Theo các chuyên gia, cỗ xe thứ nhất dùng để mở đường. Trong khi đó, cỗ xe thứ hai là phương tiện để hoàng gia sử dụng, có cả giường nằm và "điều hòa". Bên trong chiếc xe có lót đệm mềm thêu hoa văn tinh xảo, sử gọi là "đệm văn". Khi chiếc xe này di chuyển, người ở bên trong có thể nằm hoặc ngồi, vừa sang trọng vừa thoải mái.
Vậy, hệ thống điều hòa của chiếc xe này nằm ở đâu?
Toa xe bố trí cửa sổ hai lớp mở hất và trượt ngang. Hơn 2.000 năm sau, khi được khai quật, cửa sổ xe vẫn có thể mở ra kéo vào một cách trơn tru. Trên cửa sổ lớp ngoài còn có nhiều lỗ nhỏ, trong khi lớp cửa bên trong có thể đóng mở. Thiết kế này tạo ra hệ thống thông gió đặc biệt và giữ ấm cho xe. Hệ thống này cũng có tác dụng kiểm soát, điều chỉnh nhiệt độ ở trong xe.
Chiếc xe ngựa này có đệm nằm, có "điều hòa", nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên hơn cả là xe còn có cả đường ray chuyên dụng. Theo các chuyên gia, để chiếc xe chạy êm và nhanh hơn, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh xây dựng "trì đạo". Đây là đường ray dành cho xe ngựa của hoàng gia.
Trên thực tế, ở Nam Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), các chuyên gia phát hiện dấu tích của "trì đạo" thời nhà Tần. Hóa ra vẫn còn đường ray gỗ và các thanh tà vẹt đều tăm tắp. Nhờ đường ray này nên xe ngựa chạy êm hơn. Đồng thời tà vẹt buộc ngựa phải chạy với tốc độ cao, bởi khoảng cách giữa các tà vẹt chính là khoảng cách bước chân ngựa. Theo đó, vó ngựa một khi đi vào đường ray sẽ tự động phi nhanh không ngừng cho tới khi đến được trạm dừng cố định.
Đây quả là phát minh đáng kinh ngạc cách đây hơn 2.000 năm. Hai cỗ xe ngựa đặc biệt này cũng cung cấp nhiều thông tin thú vị về triều đại nhà Tần.
Nguồn: Toutiao, Baidu