Như đã đưa tin, Ngày 21/11, trên địa bàn phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm khiến một cháu bé tử vong.
Cụ thể vào khoảng 9h sáng cùng ngày, người mẹ điều khiển ô tô chở theo con trai nhỏ, dừng đỗ trước cửa hàng tạp hoá để mua đồ. Khi xuống đường, người mẹ không hề hay biết con trai cũng mở cửa theo sau. Lúc quay trở lại xe ô tô, người mẹ cứ thế nổ máy lăn bánh rời đi, còn đứa trẻ đứng bên ngoài, đu bám cánh cửa gọi với mẹ ở bên trong. Hậu quả, cháu nhỏ tử vong tại chỗ.
Mẹ lái ô tô cán trúng con trai nhỏ
Vụ việc là lời cảnh báo với nhiều bậc phụ huynh khi có con nhỏ đi cùng, bởi chỉ 1 phút bất cẩn có thể để lại hậu quả đau lòng. Ngoài ra, trong việc lái xe ô tô, thiếu chú ý, đặc biệt với điểm mù ô tô cũng rất nguy hiểm. Bởi đó một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông bất ngờ. Do đó, xử lý điểm mù trên xe ô tô là kỹ năng cần thiết mà mọi lái xe phải trang bị.
Điểm mù và cách kiểm tra khi lái xe
Điểm mù ô tô là phạm vi không gian dù trực tiếp hay thông qua gương chiếu hậu, lái xe cũng không thể quan sát được. Điểm mù thường xuất hiện ở các tình huống khi lưu thông trên đường, lùi xe, chuyển làn hoặc quay đầu tại ngã tư.
Điểm mù phổ biến được gây ra bởi gương chiếu hậu, ở phía trước, phía sau xe hoặc do vóc dáng và tư thế ngồi của lái xe. Điểm mù ô tô thường tỉ lệ thuận với kích thước của xe.
Những điểm mù mà gương chiếu hậu không bao quát hết.
Để kiểm tra điểm mù ô tô khi lái xe, bất cứ khi nào muốn chuyển làn hoặc nhập làn, lái xe cần bật đèn xi nhan để thông báo cho các lái xe đang cùng lưu thông trên đường biết, đồng thời kiểm tra gương chiếu hậu. Khi nhận thấy không có bất cứ chiếc xe nào cản trở việc chuyển làn, lái xe có thể bật đèn báo rẽ và từ từ tiến đến khu vực chuyển làn.
Một số xe được trang bị hệ thống cảnh báo điểm mù hoặc hệ thống cảnh báo chệch làn đường. Mặc dù đây là một công cụ rất hữu ích nhưng lái xe cần lưu ý luôn tự mình kiểm tra điểm mù bằng cách quan sát xung quanh.
Không gian phía sau xe ô tô cũng là vị trí có điểm mù.
Trong mọi trường hợp, lái xe cần giữ vững tay lái và luôn đảm bảo đi đúng làn đường. Tuân thủ quy định bật đèn xi nhan khi muốn rẽ và cũng không quá tin tưởng vào đèn xi nhan của những chiếc xe khác, đôi khi có lái xe quên bật hoặc bật nhầm. Vì vậy, trong trường hợp này, lái xe cần dựa vào kinh nghiệm để đưa ra những phán đoán chính xác hơn.
Cuối cùng, lái xe cần đảm bảo cửa sổ phía sau không có bất cứ vật cản nào ảnh hưởng tầm nhìn. Trong trường hợp có hành khách phía sau làm ảnh hưởng tầm nhìn, lái xe nên yêu cầu hợp tác để không cản trở tầm nhìn và giúp quan sát tốt trong một số trường hợp cần thiết.
Cách khắc phục điểm mù
1. Điểm mù phía trước xe
Điểm mù phía trước xe thường xuất hiện ở những mẫu xe tải, xe bán tải do đặc điểm gầm cao khiến việc quan sát những vật thể ở gần đầu xe gặp khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, lái xe cần giảm tốc độ khi đi qua những khu vực đông dân cư như chợ, trường học… và lắp thêm các công cụ hỗ trợ như camera quan sát, cảm biến, gương cầu. Trong tình huống gặp các phương tiện có kích thước lớn, lái xe đặc biệt chú ý giữ khoảng cách an toàn và cẩn trọng khi vượt.
2. Điểm mù phía sau xe
Phạm vi của điểm mù phía sau xe có thể kéo dài vài mét tính từ đuôi xe về phía sau. Điểm mù phía sau xe là nguyên nhân gây nên tai nạn khi lùi xe. Để khắc phục tình trạng này, lái xe nên trang bị cảm biến lùi và camera sau. Bên cạnh đó, khi lùi, tài xế chú ý luôn duy trì thói quen quan sát phía trước, phía sau và xung quanh xe.
3. Điểm mù trên gương chiếu hậu
Gương chiếu hậu là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tài xế quan sát không gian bên ngoài. Đôi khi gương chiếu hậu không thể "bắt trọn" những chiếc xe khác ở phía sau, do vậy lái xe cần di chuyển chậm để quan sát 2 bên và phía sau xe bằng mắt thường khi chuyển làn, quay đầu hoặc sang đường. Ngoài ra, việc có thêm một chiếc gương cầu nhỏ sẽ giúp gương chiếu hậu phát huy hiệu quả tốt hơn.
4. Điểm mù trên cột trước (Điểm mù cột chữ A)
Tùy vào góc đánh lái mà cột chữ A ở 2 bên khung kính chắn góc có thể sinh ra điểm mù. Tình trạng này sẽ được hạn chế khi tài xế nghiêng đầu đón góc quan sát tốt nhất. Trong trường hợp không có gương cầu cảnh báo ở những cung đường đèo, núi, khúc cua tay áo, tài xế hãy bấm còi cảnh báo hoặc nháy đèn để phát tín hiệu cảnh báo cho những phương tiện khác.
Nhìn chung, điểm mù ô tô có thể xuất hiện ở rất nhiều trường hợp trong quá trình di chuyển. Để hạn chế tối đa tai nạn có thể xảy ra, tài xế cần trang bị kiến thức, kỹ năng hoặc các công cụ hỗ trợ, đảm bảo quá trình lưu thông thuận lợi và an toàn.
Điều quan trọng nhất: SỰ CẨN TRỌNG CỦA PHỤ HUYNH
Có thể nói, phần đa số những vụ tai nạn thương tâm trên có thể do nguyên nhân từ điểm mù của chiếc xe ô tô, song điều quan trọng để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc này chính là sự cẩn trọng của các bậc phụ huynh.
Phụ huynh trước hết cần trang bị kiến thức về điểm mù của xe ô tô để tránh những nguy hiểm kề cận, không chỉ với con trẻ mà với cả những người khác. Tiếp nữa, khi đi cùng con cái, nếu chỉ có 2 người, bố hoặc mẹ luôn yêu cầu con phải lên ngồi ghế dành cho trẻ em, thắt dây an toàn. Sự xuất hiện liên tục của con sẽ nhắc nhở ta rằng, con đang đi cùng mình.
Phụ huynh tuyệt đối không được để trẻ con rời khỏi tầm mắt của mình dù chỉ là vài giây ngắn ngủi.
Khi đi cùng con, phụ huynh hãy luôn dẫn con đi theo mình nếu như dừng xe để mua bán hay làm việc riêng để tránh trường hợp "bỏ quên" con, hoặc tránh bị tai nạn, thậm chí là tránh bị bắt cóc,… Bởi lẽ, có nhiều phụ huynh còn quá chủ quan, có người thậm chí còn vẫn để ô tô nổ máy, chỉ chạy vào mua cái gì đó rồi nhanh chóng chạy ra – đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm nếu có trẻ con trên xe. Vì vậy, tuyệt đối phải tắt máy, dẫn con rời khỏi xe đi cùng mình, dù trong vài giây ngắn ngủi. Với trẻ nhỏ, cẩn trọng chưa bao giờ là thừa!
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên giáo dục, chỉ dạy cho con mình về điểm mù của xe, từ đó tránh con đến gần, nô đùa tại những điểm nguy hiểm, tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Có thể nói, sau những tai nạn thương tâm của con cái, nhiều cha mẹ bị sốc đến mức không muốn sống. Có những người sống những phần đời còn lại trong nỗi ám ảnh đến mức độ tâm thần. Đây là tội vô ý làm chết người, hại chính con đẻ của mình nên đó lại càng là bi kịch.
Mặc dù không thể tiên liệu hết mọi khả năng rủi ro tai nạn, song các bậc phụ huynh có thể bằng kinh nghiệm sống của mình và học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh cũng như sách báo để biết cách hạn chế những tai nạn thường gặp nhất cho trẻ, để con trẻ không phải hứng chịu những hậu họa đau lòng do chính cha mẹ bất cẩn mà ra.