Những ngày vừa qua, lực lượng CSGT đã ra quân kiểm tra, đo nồng độ cồn của những người tham gia giao thông. Bên cạnh những tài xế chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu đo nồng độ cồn của CSGT, thì vẫn còn một số tài xế tìm cách đối phó như để xe lại, không ký biên bản….
Theo đó, Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ là trái quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 5, Điều 6, Điều 7, và Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP”.
ụ thể, tại khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người điều khiển phương tiện là xe ô tô và các loại xe tương tự có thể bị xử phạt với mức phạt tiền là từ 30 – 40 triệu đồng nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Với hành vi tương tự, người điều khiển phương tiện là xe mô tô có thể bị xử phạt với mức tiền từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển máy kéo, xe chuyên dùng sẽ bị phạt từ 16 – 18 triệu đồng (điểm b khoản 9 Điều 7) đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nếu điều khiển xe máy chuyên dùng từ 22 – 24 tháng.
Ngoài ra, người đi xe đạp, xe đạp điện nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT cũng bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng (theo điểm d khoản 4 Điều 8).
Có thể thấy, mức phạt trên là tương đương với mức phạt cao nhất của hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Do vậy, việc dùng các biện pháp chống đối, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn sẽ không làm giảm đi mức tiền bị xử phạt của người vi phạm mà ngược lại còn đưa mức phạt tăng lên “kịch khung”.
Vì vậy, người tham gia giao thông nói chung và người bị vi phạm nói riêng cần nắm những quy định nêu trên để chấp hành pháp luật cho đúng, bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.