Cha mẹ cần thay đổi thói quen để đảm bảo an toàn cho con
Việc kêu gọi tạm ngừng bắt tay - một thói quen đã trở thành nếp văn hóa đẹp đẽ ở châu Âu tất nhiên không dễ dàng. Nhưng quán tính nào cũng phải thay đổi, vì COVID-19.
Tại Việt Nam, trẻ em mầm non, tiểu học và THCS đã có một kỳ nghỉ Tết Canh Tý kéo dài chưa từng có. Lý do là các con cần được ở nhà để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, có một sự thật mà nhiều người lớn chưa dành sự chú ý đúng mức là: nhà không phải nơi an toàn nếu cha mẹ vẫn đi làm hằng ngày mà không thay đổi thói quen.
Nếu hỏi các bậc cha mẹ có con nhỏ về điều đầu tiên họ làm khi trở về nhà, hẳn phần lớn sẽ trả lời rằng: Ôm con.
Ôm con, và thường sẽ còn hôn con, xoa đầu, âu yếm con trong ít nhất vài chục giây, với đa số các bà mẹ, là hành động tất nhiên và cần thiết. Đồng thời, SARS-CoV-2 rất thích điều này!
Bàn tay mềm mại của người mẹ, bàn tay ấm áp của người cha đã lướt qua những phím bấm tầng hay tay vịn trong thang máy, đã cầm những chiếc điện thoại được phơi cả ngày nơi công cộng, đã cầm những tờ tiền trao đi đổi lại theo lịch trình không thể tra cứu, đã nắm tay những vị khách từ lạ đến quen trong các cuộc gặp gỡ từ xã giao đến thân tình. Mà không một ai trong số họ biết được mình đã chạm vào con virus từ đâu, từ ai, từ lúc nào trong muôn vàn tiếp xúc gần gũi mỗi 8 tiếng đồng hồ công sở ấy.
Nếu không vệ sinh đúng cách, kết quả rất có thể là vòng tay ôm ấp chào đón sau một ngày dài xa con không chỉ trao yêu thương nhung nhớ mà còn trao nguy cơ lây nhiễm bệnh .
Chị Hoàng Thu Hằng, 38 tuổi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là mẹ của một cậu con trai 5 tuổi bày tỏ: “Cả phương Tây đã kêu gọi người dân từ bỏ thói quen chào hỏi truyền thống từ cọ mũi, “la bise” (hôn má) và bắt tay, điều mà họ từng rất tự hào. Thế nên, không có gì bất thường nếu các bậc phụ huynh cũng từ bỏ hành động ôm hôn con và từ chối cho các con ôm hôn mỗi khi trở về nhà sau một ngày làm việc ở bên ngoài.
Cả gia đình tôi cũng phải điều chỉnh lại các hành vi yêu thương. Tất nhiên điều này là không dễ dàng vì đây là thói quen của gia đình suốt 5 năm qua. Nhưng để bảo vệ cho con, tôi đã kiên trì giải thích cho cháu, rằng chúng ta có thể ôm nhau sau khi mẹ đã vệ sinh cá nhân xong. Đồng thời hai mẹ con ngồi nghĩ ra đủ cách để chào nhau, bày tỏ tình cảm khi gặp nhau lúc cuối ngày. Dùng ngôn ngữ ký hiệu này, hôn gió này, cả những hành động kỳ quái nồng nhiệt khác. Con rất thích thú và hạnh phúc với ngôn ngữ yêu thương mới của hai mẹ con”.
Chị Hằng cũng cho hay, chị chia sẻ cách làm này với các mẹ cùng khu chung cư. Không phải ai cũng ngay lập tức chấp nhận mà cho rằng "vẽ chuyện, cẩn thận quá", hoặc có chấp nhận thì cũng rất dễ vi phạm do thói quen lâu ngày. Nhưng trước tình hình dịch COVID-19 như hiện tại, không ít bậc cha mẹ đã học theo chị Hằng.
Chị tiết lộ, ở tầng của chị, ít nhất 8 hộ đều học chị chuyển sang mô hình "chờ một chút" vào mỗi chiều đi làm về. "Đa phần bọn trẻ khi được giải thích kĩ càng đều vui vẻ cho phép bố mẹ thay đồ, tắm giặt, súc miệng sạch sẽ, sát khuẩn kỹ càng trước khi chơi với con thay vì bắt bế, bắt ôm ngay khi mẹ bước chân vào nhà như trước”.
Một trong những điều dễ vi phạm khác của cha mẹ là nhiều người rửa tay rất kỹ càng nhưng lại đưa điện thoại ra cho con chơi mà không hề vệ sinh. Trong khi đó, virus (nếu có) có thể tổn tại tới 96 tiếng trên màn hình điện thoại.
Anh Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, trước đây mỗi khi anh về nhà, nếu con ngoan, anh sẽ cho con trai mượn điện thoại chơi khoảng 1 tiếng. Cho đến khi biết thông tin về thời gian tồn tại của virus SARS-CoV-2, anh đã phải lập tức chấn chỉnh thói quen này, ít nhất là luôn vệ sinh điện thoại bằng cồn Isopropyl rồi mới đưa cho bé chơi.
Người lớn ơi, xin hãy giữ khoảng cách với trẻ trong mùa dịch
Không chỉ cha mẹ, mà không ít người lớn vẫn thoải mái bày tỏ tình yêu với trẻ nhỏ mà xem nhẹ việc vệ sinh cá nhân. Trong đó điều khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu nhất chính là việc hàng xóm vẫn vô tư đòi bế bồng, cưng nựng như ngày thường.
Anh Phan Văn Nam, 32 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười mới đây, khi anh đến gara ô tô của người nhà để rửa xe cùng với cậu con trai 3 tuổi. “Bác bảo vệ tại gara vừa nhìn thấy hai bố con từ trên xe bước xuống thì vồn vã tới hỏi thăm. Vốn tính xởi lởi và yêu trẻ, bác đưa tay đón con và thơm liên tục vào má, dụi má dụi cằm để nó bật cười khanh khách. Hai ông cháu chơi với nhau cỡ chừng 10 phút trước khi bác phải quay lại vị trí làm việc”, anh Nam nhớ lại, bày tỏ rằng vừa kể vừa lo lắng vì thừa nhận bản thân đã có phần chủ quan, sơ suất khi để con tiếp xúc quá gần với người ngoài trong tình huống đó.
“Lúc đó tôi thực sự không suy nghĩ gì. Nhưng giả sử tôi có nhận ra vấn đề là bác bảo vệ tiếp xúc cả trăm người mỗi ngày, không an toàn chút nào với con tôi, thì tôi cũng khó mở lời nói với bác rằng tạm thời bác không nên ôm hôn cháu. Vì văn hóa Việt mình là thế”, anh Nam cho hay.
Sự khó xử của anh Nam không phải là cá biệt. Nhiều người Việt có thói quen xoa đầu, bẹo má, vuốt ve một đứa trẻ ngay cả trong lần gặp gỡ đầu tiên, ngay cả khi không quen biết, để bày tỏ sự yêu mến, thân thiện.
Chị Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) ấm ức kể: "Từ đầu khi bắt đầu dịch COVID-19 xuất hiện, mình đã dặn bà là không cho cháu đi ăn rong nữa. Bà cứ ậm ừ, nhưng có lúc vẫn lén cho đi hoặc đưa ra trước cổng thay vì đi dọc ngõ như trước đây. Bé Bon nhà mình được bà cho đi ăn rong nhiều đâm quen, ăn ở nhà không chịu nuốt.
Mãi đến hôm trước, mình về sớm, chứng kiến bà đang cho Bon ăn thì một người hàng xóm mới chuyển đến đi ngang qua chào hỏi, nhân tiện khen bé dễ thương và đưa tay lên bẹo má bé. Bình thường thì không sao, nhưng ngay trong thời điểm này tí thì mình mất kiềm chế với cả hàng xóm mới.
Vẫn biết mọi người có thiện ý thôi, nhưng thời điểm này việc cho tay lên mặt là một trong những yếu tố có thể gây nhiễm bệnh, lại chưa quen biết, chẳng biết người ta vừa đi đâu, làm gì nên mình càng nghĩ càng bực. Tối hôm đấy, mình và chồng phải ngồi nguyên buổi nói chuyện với bà, nói về các hành động dễ lây nhiễm virus để đảm bảo sức khoẻ cho cả bà, cả cháu mùa dịch."
Một lời góp ý, ngăn cản dễ bị hiểu nhầm là khiếm nhã, thiếu tôn trọng. Song, với “sự thân thiện quá mức” của virus SARS-CoV-2, giữ khoảng cách với trẻ nhỏ là điều mà mọi người lớn nên tìm cách nhắc nhở nhau chủ động và kịp thời.
Để có thể chiến thắng dịch COVID-19, việc thay đổi thói quen trong tiếp xúc với trẻ nhỏ là điều người lớn nên thực hiện triệt để.
Chị Hoàng Thu Hằng cho rằng: “Đừng sợ khoảng cách sẽ biến bạn thành kẻ lạnh lùng trong mắt chúng. Bởi rất nhiều khi, trẻ con muốn bày tỏ rằng “cô chú cứ đứng yên tại đó, đừng kéo cháu vào ôm hôn như thế, cháu sẽ thích cô chú hơn đấy”, mà vì lịch sự và tinh tế hơn người lớn nên chúng chẳng nói ra đấy thôi. Trẻ con có thể không ngại “cô Vy”, “cô Vít” nhưng chúng ngại những cái hôn bất ngờ, hay cái bẹo má, cắn tay từ người ngoài.”
Hiện tại, WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Chưa có bằng chứng nào cho thấy trẻ em miễn dịch với virus SARS-CoV-2 tốt hơn người lớn. Bởi thế, hơn ai hết, trong chiến dịch hành động toàn cầu chống COVID-19, mỗi người lớn đều cần có ý thức bảo vệ những đứa trẻ trong cộng đồng. Rửa tay và giữ khoảng cách tiếp xúc, bỏ thói quen chào hỏi bằng cách ôm hôn cưng nựng thân mật là điều không chỉ dành cho người lớn với nhau mà còn rất cần trong ứng xử với trẻ nhỏ.