Bệnh nhân đầu tiên mắc Covid- 19 của Hà Nội đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Một người mắc, 2 người tiếp xúc gần bị, đóng cửa bệnh viện
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội vào chiều 9/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu ra trường hợp BN số 17 (N.H.N), bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên của Hà Nội .
Dù bệnh nhân có ý thức phòng bệnh khi ở trên tầng 8, hầu như không tiếp xúc với người ngoài nhưng khi đi khám lại có lái xe và bà bác đi cùng đến bệnh viện Hồng Ngọc.
Bệnh nhân đầu tiên mắc Covid- 19 của Hà Nội đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Hệ quả là, bà bác ruột, người lái xe dương tính với Covid-19. Rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện, bệnh nhân tiếp xúc gần, tiếp xúc gần của tiếp xúc gần buộc phải tiến hành cách ly, giám sát. Bệnh viện phải ngừng hoạt động…
Theo các chuyên gia đây là hậu quả của việc bệnh nhân khám sai quy trình, làm không đúng khuyến cáo của ngành y tế. Bệnh viện cũng chưa tuân thủ tốt quy định, theo đó không có khu vực dành riêng khám cho bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, trong trường hợp các bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu của bệnh như sốt, ho, khó thở cùng với yếu tố dịch tễ như trở về từ vùng dịch, có tiếp xúc gần với bệnh nhận nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám.
Tuy nhiên cần lưu ý, trước khi đi khám nên gọi đến đường dây nóng để được tư vấn chi tiết các xử trí, đi lại, phòng hộ (cần dùng khẩu trang y tế trong suốt quá trình di chuyển) và thực hiện việc thăm khám tại các khu cách ly riêng của bệnh viện đó…
Phải làm gì khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở?
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế , người nhiễm Covid-19 có các triệu chứng cấp tính gồm: Ho, sốt, khó thở, có thể dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Ông bầu Vũ Khắc Tiếp cách ly tại nhà.
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn hiện nay, ai đó có các yếu tố nghi ngờ mắc Covid-19 (đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người tiếp xúc…) có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần khẩn trương đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;
Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;
Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;
Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;
Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…
Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học; Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.
Bệnh viện đủ khả năng điều trị bệnh nhân mắc Covid- 19
Hiện tại, Hà Nội có 5 bệnh viện đủ khả năng tiếp nhận và điều trị cho các ca nhiễm Covid-19: gồm BV SaintPaul, BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Đức Giang, BV Hà Đông. Hoặc bệnh nhân có thể đến các bệnh viện TƯ nằm trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố địa chỉ và đường dây nóng của 21 bệnh viện trọng điểm tiếp người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Tại Hà Nội, Chủ tịch Thành phố khuyến cáo người dân đang trong giai đoạn cách ly khi có hiện tượng, có dấu hiệu bệnh tật thì điện đường dây nóng. Sở Y tế Hà Nội sẽ gọi Trung tâm cấp cứu 115, đơn vị này chịu trách nhiệm vận chuyển bệnh nhân bằng xe chuyên dụng.
“Tránh tình trạng giống như bệnh nhân số 17 làm lái xe, người thân đưa đi viện, thế là thêm hai trường hợp mắc Covid-19. Cho nên tất cả các trường hợp ở nhà cách ly nếu có dấu hiệu ho, sốt sẽ gọi điện đến đường dây nóng của Sở thì Trung tâm cấp cứu 115 phải đến đưa bệnh nhân đến các trung tâm, không để họ tự đi”, ông Chung nhấn mạnh.
Ông Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho biết: "Cách ly là một trong nhiều giải pháp trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hiện có 3 tầng cách ly, thứ nhất cách ly tại cơ sở y tế với những ca bệnh nghi ngờ nhiễm, ca nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần với người nhiễm; Thứ hai, cách ly tập trung với những người trở về từ vùng dịch; Thứ ba, cách ly với những người chưa có dấu hiệu của bệnh nhưng có tiếp xúc với người nghi nhiễm.... Việc cách ly quy định rõ ràng trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Việc mỗi người dân tự cách ly, tự dự phòng là cách thức phòng bệnh hiệu quả nhất, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng thành diện rộng.
Với trường hợp cách ly tại nhà hoặc tại nơi lưu trú phòng chống Covid-19 được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.