Tài xế bớt bị phạt oan với quy chuẩn biển báo mới

Quy chuẩn 41/2019 về biển báo hiệu đường bộ mới sắp có hiệu lực sẽ giúp người tham gia giao thông bớt bị phạt oan.
quy chuan moi ve bien bao sap co hieu luc

Quy chuẩn 41/2019 đã bỏ quy định buộc treo biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn trên những đường có mỗi chiều xe chạy từ 2 làn trở lên như Quốc lộ 1

Theo đó, Quy chuẩn 41/2019 đã bỏ quy định buộc treo biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn trên những đường có mỗi chiều xe chạy từ 2 làn trở lên như Quốc lộ 1. Cụ thể, Quy chuẩn quy định biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng. Đồng thời, tùy từng trường hợp mà có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.

Trước đó, Quy chuẩn 41/2016 quy định về vị trí đặt biển báo hiệu giao thông trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn (khung treo biển báo hiệu phía trên mặt đường) hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn, thì có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.

Từng có nhiều tranh cãi xảy ra giữa CSGT và tài xế bị xử phạt, bởi tại nhiều vị trí biển báo không được lắp đúng quy định, nhiều tuyến đường có xe tải, xe khách lớn di chuyển, che khuất tầm nhìn nên không thể thấy biển báo. Các tài xế cho rằng họ đều bị "bẫy" vì biển báo thấp, nhỏ, không đúng quy chuẩn.

Thông tin với báo chí, ông Vũ Ngọc Lăng – Vụ trưởng Vụ ATGT cho hay, có một số bộ phận người tham gia giao thông dù đã nhìn thấy biển những cố tình viện cớ không gắn biển trên giá long môn hay cột cần vươn để tranh cãi với lực lượng chức năng.

Có thể thấy, với quy chuẩn biển báo mới giúp tránh tình trạng xảy ra hiểu lầm gây tranh cãi và hạn chế tình trạng cắm quá nhiều biển cảnh báo, khắc phục các bất cập của quy chuẩn trước với thực tế áp dụng.

Ngoài ra, Quy chuẩn 41/2019 cũng quy định về tín hiệu đèn giao thông như sau: Tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp. Như vậy, quy định này cũng không có sự khác biệt với quy định hiện hành.

Xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là ô tô con

Điểm đáng chú ý trong quy chuẩn mới là xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là ô tô con như quy định gây tranh cãi thời gian qua. Cụ thể, ô tô con là ô tô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả chỗ người lái. Xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg được xem là xe con trong tổ chức giao thông.

Giải thích về quy định này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, quy định này trên thực tế đã gây một số khó khăn cho việc quản lý hoạt động xe tải dưới 1,5 tấn ở những đô thị lớn cấm xe tải đi vào nội đô theo giờ như Hà Nội và TP HCM. CSGT Hà Nội đã kiến nghị điều chỉnh quy định này vì xe tải dưới 1,5 tấn đi tự do làm giao thông nội đô hỗn loạn.

“Việc sửa đổi theo hướng xe con là xe con, xe tải là xe tải thống theo quy định về đăng kiểm phương tiện để tránh hiểu lầm trong công tác đăng kiểm, thuế hay niên hạn, cước phí. Trong tổ chức giao thông thì các xe bán tải (xe pickup), xe VAN dưới 950kg cũng được xem là xe con cho phù hợp với thực tiễn về kích cỡ và thực tế sử dụng”, ông Lăng nói