Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội và tạo nên làn sóng giảm giá chưa từng thấy trên thị trường ô tô Việt Nam. Nhiều hãng xe lớn như Toyota, Honda, Ford, Mazda, VinFast…liên tiếp giảm giá mạnh cho nhiều mẫu xe kể từ đầu năm đến nay là điều hiếm thấy những năm trước đây.
Với các mẫu xe tầm giá dưới 600 triệu đồng, Toyota Vios sau hàng loạt nâng cấp hồi đầu năm vẫn tiếp tục được các đại lý giảm giá tới 30 triệu đồng, tương đương với mức giảm cao nhất năm ngoái, trước khi mẫu xe này nâng cấp. Honda City cũng lần đầu tiên ghi nhận mức giảm kỷ lục tới 50 triệu đồng, điều chưa từng thấy trước đây. VinFast Fadil còn sở hữu mức giá thấp hơn cả giá ưu đãi thời kỳ đầu ra mắt khi giảm tới 60 triệu đồng…
Hàng loạt ô tô đại hạ giá ngay từ đầu năm |
Ở các mẫu xe có mức giá cao hơn, các mẫu xe phổ biến như Toyota Innova đã được giảm giá từ 70-100 triệu đồng, riêng các phiên bản 2019 còn được các đại lý giảm tới 120 triệu đồng. Tương tự, một số mẫu xe như Honda HR-V, Mazda CX-8 cũng giảm giá trên dưới 100 triệu đồng; các mẫu xe như Honda CR-V, Toyota Fortuner, Ford Everest…giảm giá tới 120 triệu đồng.
Ở các mẫu xe cao cấp hơn, mức giảm thậm chí còn sâu hơn, đơn cử như Vinfast Lux SA2.0- mẫu xe cao cấp nhất của VinFast đã giảm từ 158- 261 triệu đồng tùy phiên bản, Ford Explorer giảm giá tới 269 triệu đồng, một số mẫu xe sang của Audi, BMW còn có thể giảm giá từ 300- 400 triệu đồng.
Trước làn sóng giảm giá lần này chắc hẳn nhiều người sẽ còn phân vân giá xe hiện tại đã phải đáy chưa? Còn có thể giảm thêm không? Và có nên mua xe tại thời điểm này không?... Để xác định điều này chúng ta cần nhìn nhận nhiều yếu tố như diễn biến dịch bệnh, nhu cầu thị trường, nguồn cung, chính sách thuế…
Đường phố vắng vẻ, hàng quán đóng cửa trong những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội |
Có thể thấy rằng dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Trên thế giới dịch bệnh đã lan rộng tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia có nền y tế phát triển như Mỹ, Pháp, Đức…cũng đang gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề do chủng virus này.
Tại Việt Nam, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 16 về cách ly xã hội trong 15 ngày kể từ 1/4 - 15/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan và bùng phát của dịch bệnh. Nhiều nhà máy ô tô của các hãng lớn như Toyota, Honda, Hyundai, Ford…đã tạm dừng sản xuất, nhiều đại lý cũng đã đồng loạt đóng cửa và chuyển sang hình thức bán hàng online, các cơ quan cấp đăng ký cũng đã tạm dừng hoạt động.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì theo kế hoạch, sau ngày 15/4 các hoạt động bình thường sẽ được khôi phục. Tuy nhiên trong giai đoạn này diễn biến dịch bệnh khá phức tạp và khó lòng đoán định, trong trường hợp xấu các biện pháp của thắt chặt hơn và nếu dịch bệnh kéo dài thêm thì nhiều hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục đình trệ.
Về nhu cầu thị trường, khi nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, thu nhập của người lao động sẽ giảm sút, theo tình hình đó thì xu hướng thắt chặt chi tiêu là phổ biến. Nhu cầu với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men sẽ được đặt lên hàng đầu trong khi nhu cầu với các mặt hàng như ô tô sẽ giảm mạnh.
Thông thường trong điều kiện nguồn cung đảm bảo mà nhu cầu giảm sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu và giá xe sẽ có xu hướng giảm theo. Tuy nhiên khi hoạt động sản xuất cũng bị đình trệ do yếu tố dịch bệnh, nguồn linh kiện nhập khẩu bị gián đoạn do việc hạn chế giao thương giữa các quốc gia thì nguồn cung xe đã bị hạn chế, vì thế giá xe khó có thể giảm mạnh thời gian tới.
Như vậy yếu tố chính sách của Chính phủ sẽ là yếu tố quyết định tới giá xe trong thời gian tới. Theo quy định hiện nay thì thuế, phí đang chiếm tỷ lệ rất cao trong giá xe, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt từ 25- 50%, thuế GTGT 10%; xe nhập còn gánh thêm thuế nhập khẩu từ 0- 70%; chi phí lăn bánh thì lệ phí trước bạ từ 10-12%, tiền biển số tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thậm chí còn lên tới 20 triệu đồng…
Như chia sẻ của lãnh đạo VinFast trước đó, một chiếc Lux A2.0 bản tiêu chuẩn ở thời điểm đó có giá vốn là 980,6 triệu đồng, trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm các chi phí: nguyên vật liệu, vận chuyển, thuế nhập khẩu, sản xuất, bảo hành, lưu kho, bán hàng, quản lý…
Tuy nhiên, xe phải gánh thêm 412,1 triệu tiền thuế bao gồm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng). Điều này khiến giá xe thực tế bị đội lên mức 1,392 tỷ đồng chưa kể các chi phí lăn bánh khác mà người tiêu dùng phải trả.
Vừa qua, hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có đề xuất với chính phủ về việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ nhằm giảm các chi phí khi mua xe cho khách hàng. Nếu đề xuất này được thông qua thì giá lăn bánh ô tô có thể giảm 10-11% so với hiện nay.
Chúng ta khó có thể khẳng định rằng giá xe sẽ giảm mạnh giai đoạn cuối năm nhưng thời điểm hiện tại giá xe đã giảm khá sâu so với giai đoạn trước. Quyết định mua xe tại thời điểm này hay không phụ thuộc nhiều vào quan điểm cá nhân của từng người.
Với những người tài chính dư giả mua xe cá nhân để đảm bào an toàn cho gia đình là cần thiết. Tuy nhiên với những đối tượng tài chính eo hẹp, mua xe kinh doanh dịch vụ thì nên cân nhắc bởi đây là giai đoạn nhạy cảm, các quy định về phòng chống dịch bệnh có thể khiến công việc kinh doanh bị đình trệ mà các khoản lãi vay các bạn phải chi trả hàng tháng cũng không hề nhỏ.