Sau đại dich Covid-19, giá ô tô có thể giảm mạnh

Hậu Covid-19, nền kinh tế có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn khiến sức mua giảm trong khi sản xuất có thể được phục hồi mạnh mẽ, rất có khả năng các hãng xe phải tính giảm giá.    
sau dai dich covid 19 gia o to co the giam manh
 

Lượng tiêu thụ ô tô trên toàn cầu giảm mạnh

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các nhà máy ngừng hoạt động từ giữa tháng 2 đến nay.

Cụ thể, tại Mỹ theo báo cáo của GM Motor, trong quý I/2020 doanh số xe bán ra của hãng đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 618.335 chiếc.

Tương tự, doanh số của FCA đã giảm 10% trong quý I/2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Theo đó, doanh số của hãng đã giảm từ 498.425 chiếc vào năm ngoái xuống chỉ còn 446.768 chiếc trong quý I năm nay.

Tại Đức, Tập đoàn ô tô Volkswagen cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh số trong tháng Ba với mức giảm 42%. Thương hiệu đã bán được 75.075 xe trong quý I/2020 và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng ở châu Âu mà còn lan sang cả khu vực châu Á.

Cụ thể, mới đây Hiệp hội các nhà kinh doanh ô tô Nhật Bản và Hiệp hội phương tiện nhỏ Nhật Bản vừa công bố doanh số bán xe trên cả nước trong tháng 3/2020 đã giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng giảm thứ sáu liên tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, tại các nước thành viên ASEAN, báo cáo bán hàng nội địa những tháng qua đều cho thấy doanh số sụt giảm mạnh từng tháng, như Thái Lan giảm trung bình 17,1%, Malaysia giảm 12%, Philippines giảm 13,7%, Indonesia giảm 3,1%...

Thống kê sơ bộ 2 tháng đầu năm, mức tiêu thụ ô tô ở các quốc gia nói trên sụt giảm trung bình từ 25 - 28%, bao gồm cả sản lượng dành cho xuất khẩu. Hiệp hội công nghiệp ô tô các nước này đều lần lượt thừa nhận việc sắp phải điều chỉnh kế hoạch tổng thể sản xuất và bán hàng năm nay, dù chưa cho biết con số điều chỉnh cụ thể là bao nhiêu.

Giá ô tô liệu có thể giảm trong thời gian tới?

Mới đây, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định, sự bùng phát dịch Covid-19 gây ra 2 tác động đối với ngành ô tô. Thứ nhất, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng vấn đề này đã được giải quyết nhanh chóng. Thứ hai, là nhu cầu mua ô tô suy giảm. Đối với vấn đề về chuỗi cung ứng, HSC cho rằng, sẽ nhanh chóng được giải quyết. Tuy nhiên vấn đề nghiêm trọng là nhu cầu mua xe giảm và chưa rõ kéo dài bao lâu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng dự báo, doanh số bán hàng năm nay sẽ sụt giảm hơn 15% so với năm trước. Thống kê của Bộ Công thương mới đây cũng cho thấy, lượng ô tô tồn kho trong 3 tháng đầu năm 2020 đã tăng 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Việt Nam, mặc dù là nước ứng phó với dịch Covid-19 có hiệu quả, tuy nhiên khoảng thời gian cách ly xã hội và tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô ở các đại lý cũng như công ty sản xuất và lắp ráp. Đã tác động tới doanh số bán hàng, kể cả xe nhập nguyên chiếc hay là xe lắp ráp trong nước.

Mới đây, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cũng thấy được tình hình sụt giảm nghiêm trọng của các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh ô tô. Cụ thể, tính đến hết quý I/2020, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 23.000 chiếc, trị giá đạt 497 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 43,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Công thương vừa trình Chính phủ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số bán hàng cho các DN sau đợt dịch.

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đề xuất Chính phủ nguyện vọng được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, đồng thời giảm thêm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ DN trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh.

Nếu đề xuất của Bộ Công thương và VAMA được thông qua, các mẫu xe phổ thông giá 700 triệu đến 1 tỷ đồng đang có mức lệ phí trước bạ từ khoảng 85 - 120 triệu đồng sẽ giảm tương ứng từ 43 - 60 triệu đồng khi lăn bánh.

Hiện tại, một số hãng  xe đang ngừng sản xuất hoặc quay sang làm máy thở, đó cũng là cách để duy trì sản xuất và điều tiết sản lượng, tránh tăng mạnh lượng tồn kho.

Ngoài tác động của đại dịch Covid-19 và các chính sách khiến các đại lý giảm giá mạnh, nguyên nhân còn kể đến một số đại lý còn tồn nhiều xe của năm ngoái nên mức giảm giá khá sâu. Chỉ trong thời gian cuối tháng 4, một số hãng như Mazda, Hyundai, Honda…đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi lên tới 150 triệu đồng, tặng kèm gói phụ kiện cho khách hàng khi mua xe nhằm kích cầu và giữ thị phần.

Căn cứ vào số liệu trên và  tình hình thực tế không khó để dự đoán lượng ô tô sản xuất toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng hàng tồn kho chắc chắn sẽ tăng. Từ đầu năm đến nay, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, giá ô tô tại Việt Nam đã có những thời điểm giảm chưa từng có, diễn ra ở rộng khắp tất cả các phân khúc, từ xe cỡ nhỏ hạng A đến các mẫu xe bình dân hay hạng sang. Tuy nhiên, người dân có nhu cầu sở hữu ô tô cũng có thể kỳ vọng khi “cung vượt cầu” thì giá xe sẽ giảm.