Liên quan đến quan niệm khi xảy ra tai nạn giao thông, “xe lớn phải đền xe bé” khi tai nạn xảy ra bất kể nguyên nhân là do ai. Tuy nhiên đây là các xử lí theo hướng “duy tình” và “theo lệ” đang tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân và cần phải loại bỏ, để cơ chế vận hành của pháp luật được thực thi công bằng, khách quan. Bởi thực tế, pháp luật đã có những quy định rất cụ thể trong các trường hợp xảy ra tai nạn giao thông trên nguyên tắc sai đến đâu, xử lý đến đó dù đó là xe to hay xe nhỏ.
Theo quy định tại Thông tư 63/2020/TT-BCA về quy trình điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông, sau khi nhận được tin báo, tổ Cảnh sát giao thông (CSGT)sẽ xuống hiện trường. CSGT sẽ thực hiện đo vẽ hiện trường, tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh.
Sau đó, CSGT sẽ lấy lời khai những người liên quan trong vụ tai nạn (người điều khiển, người làm chứng) và khám nghiệm phương tiện.
Trong 07 ngày sau tai nạn sẽ có kết quả trả lời cho các bên liên quan, và đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, CSGT cũng có thể gia hạn để tiếp tục xác minh (thời gian gia hạn không quá 2 tháng).
Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.
Như vậy sẽ không có chuyện "xe lớn đền xe bé" và phải có đơn bãi nại của gia đình nạn nhân thì chủ xe mới được trả lại phương tiện. Theo quy định của pháp luật thì xe nào gây sai phạm, xe đó phải bồi thường.
"Không có chuyện xe to đền xe bé"
Theo trình bày trên, rõ ràng không có việc tài xế không có lỗi nhưng vẫn bị tạm giữ phương tiện để buộc thỏa thuận bồi thường thiệt hại với bên còn lại, cũng như không có chuyện xe lớn đền xe nhỏ dù không có lỗi.
Ngoài ra, Điều 601 Bộ luật Dân sự cũng quy định phương tiện giao thông vận tải cơ giới chính là nguồn nguy hiểm cao độ.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại và thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, kể cả trường hợp thiệt hại gây ra do nguồn nguy hiểm cao độ cũng loại trừ việc bồi thường nếu lỗi hoàn toàn của bên bị thiệt hại.
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, chỉ trường hợp cá nhân có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì mới phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, trường hợp không có lỗi thì không phải bồi thường trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Hiện nay, do tâm lý các chủ phương tiện lớn e ngại sau tai nạn khi bị CSGT giam xe, giữ bằng lái của tài xế dẫn đến thiệt hại không được đi làm do giam xe, chi trả tiền giam xe nên các chủ phương tiện nhỏ thường xuyên đòi hỏi quá đáng tiền đền bù mặc dù họ sai hoàn toàn. Trong khi đó, các chủ phương tiện lớn vì họ sợ các thiệt hại lớn hơn khi xe, bằng lái bị tạm giữ nên đành ngậm ngùi chấp nhận. Đây chính là lý do xe lớn thường đền xe bé dù không có lỗi.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại (Điều 589).
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại, (Khoản 1 Điều 590).
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, (Khoản 2 Điều 590).
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, (Khoản 1 Điều 591). Bên cạnh đó, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
Trường hợp xe ô tô đi đúng bị xe máy đâm vào, từ vị trí "được bồi thường" lại trở thành "phải bồi thường" không quá lạ lẫm ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các camera hành trình, video do người dân cung cấp hoặc thiết bị giám sát của nhà nước,... thì việc xác minh nguyên nhân và quá trình gây tai nạn được rõ ràng và khách quan hơn, từ đó "vấn nạn" người đi đúng phải đền cho người đi sai, xe lớn đền xe bé sẽ được loại bỏ.