Bảo hiểm ô tô ngập nước và những điều bạn cần biết

Lựa chọn mua bảo hiểm xe ô tô ngập nước là giải pháp hữu hiệu giúp chủ xe hạn chế thiệt hại, rủi ro khi xe xảy ra hiện tượng thủy kích (hay ngập nước)
Ô tô ngập nước

Cơn mưa lớn vào chiều qua (29/5), đã khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội bị ngập sâu. Theo đó, nhiều phương tiện cũng di chuyển khó khăn, thậm chí nhiều ô tô, xe máy bị chết máy và không di chuyển được.

Điều này gây ra không ít tổn thất cho các chủ phương tiện. Mùa mưa chỉ vừa mới bắt đầu và sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, đây cũng là thời điểm mà các tài xế cần quan tâm đến bảo hiểm hơn bao giờ hết, đặc biệt là bảo hiểm ôtô ngập nước hay thủy kích.

Trước tình huống đó, nhiều người đặt câu hỏi, xe bị ngập nước hay thuỷ kích có được bảo hiểm bồi thường hay không? Và một số lưu ý khi mua bảo hiểm

Bảo hiểm thủy kích là gì?

Bảo hiểm thủy kích là quyền lợi bảo hiểm nằm trong bảo hiểm vật chất xe ôtô. Tùy vào công ty bảo hiểm mà gói bảo hiểm này có hay không quyền lợi bảo hiểm thủy kích.

Nguyên nhân là do chi phí sửa chữa xe bị thủy kích khá cao nên một số công ty bảo hiểm đã tách riêng bảo hiểm thủy kích ra khỏi bảo hiểm vật chất xe.

Vì vậy, trước khi mua bảo hiểm vật chất xe, tài xế cần đọc kỹ nội dung và mua thêm bảo hiểm thủy kích nếu không có sẵn.

Thông thường, chi phí mua bảo hiểm thủy kích là từ 0,3 – 0,5% giá trị của chiếc xe. Tùy vào mỗi chiếc xe, loại xe mà chi phí mua bảo hiểm thủy kích là khác nhau.

Mức bồi thường thủy kích như thế nào?

Các hãng bảo hiểm cũng thường nêu rõ, chỉ bảo hiểm xe bị thuỷ kích với trường hợp do lỗi vô ý , bất khả kháng của lái xe. Cụ thể là, xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, nước tràn vào động cơ khiến đông cơ bị hư hỏng. Trường hợp này, chủ xe có thể được đền bù đến 100% chi phí sửa chữa nếu điều khoản này có trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm chỉ đền bù khoảng 70-80% với lý do khách hàng phải có trách nhiệm tự cân nhắc xem có nên đi vào vùng nước ngập hay không.

Trường hợp thứ hai, xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, sau đó xe bị tắt máy nhưng lái xe cố tình khởi động lại xe khiến nước tràn vào làm động cơ hư hỏng nặng. Trường hợp thuỷ kích thứ hai này, đại đa số các công ty bảo hiểm sẽ từ chối đền bù vì đây hoàn toàn là lỗi chủ quan của lái xe.

Do đó, tuyệt đối không cố nổ máy, hãy gọi bảo hiểm điều cứu hộ đến kể kéo xe về. Nếu bạn không báo cho công ty bảo hiểm sớm mà cố di chuyển xe đến gara sửa chữa thì những hư hại phát sinh sẽ không được bồi thường. Trong trường hợp gara xác định do lỗi của bạn khiến xe bị thủy kích thì bạn có thể yêu cầu một đơn vị giám định độc lập thực hiện kiểm tra lại để được nhận bồi thường bảo hiểm.

Mức khấu trừ bảo hiểm thủy kích của xe

Mức khấu trừ bảo hiểm mang lại nhiều lợi ích cho chủ xe, giúp giảm chi phí bảo hiểm, gia tăng sự yên tâm trong quá trình sử dụng xe. Khách hàng chọn mức miễn thường càng cao thì tỷ lệ phí bảo hiểm càng thấp. Mức miễn thường chính là khoản tiền mà người mua bảo hiểm thân vỏ xe ôtô phải bỏ ra để chia sẻ với công ty bảo hiểm nếu không may xảy ra tổn thất.

Có 2 loại miễn thường gồm miễn thường có khấu trừ và không khấu trừ. Miễn thường có khấu trừ là khoản chi phí mà chủ xe phải tự chịu cho các tổn thất trước khi công ty bảo hiểm chi trả các chi phí còn lại. Trong khi đó, miễn thường không khấu trừ là khoản phí mà chủ xe phải chịu cho các tổn thất có chi phí nhỏ hơn mức miễn thường, công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ các chi phí tổn thất.

Ví dụ về cách tính bảo hiểm xe ôtô theo từng mức miễn thường cụ thể như sau:

– Miễn thường có khấu trừ: Bạn mua bảo hiểm thân vỏ xe ôtô với mức miễn thường có khấu trừ là 1.500.000 đồng. Nếu xe xảy ra tổn thất và chi phí khắc phục dưới 1.500.000 đồng thì bạn phải tự thanh toán chi phí này. Nếu chi phí khắc phục tổn thất trên 1.500.000 đồng thì bạn thanh toán số tiền 1.500.000 đồng và công ty bảo hiểm sẽ phải trả các chi phí còn lại.

– Miễn thường không khấu trừ: Nếu bạn mua bảo hiểm vật chất xe ôtô với mức miễn thường không khấu trừ là 1.500.000 đồng, khi xe xảy ra tổn thất và chi phí khắc phục dưới 1.500.000 đồng thì bạn phải tự thanh toán. Nếu chi phí khắc phục trên 1.500.000 đồng thì công ty bảo hiểm phải trả toàn bộ chi phí này, bạn không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào.

Dù có bảo hiểm chi trả thiệt hại do thủy kích thì các chủ xe cũng không nên “làm liều”, chạy xe vào vùng nước sâu. Nguyên nhân là do một chiếc xe bị ngập nước, thủy kích sẽ rất mất giá nếu bán, chưa kể việc thay máy móc cũng để lại nhiều hệ lụy sau này.

Có nên mua bảo hiểm thuỷ kích hay không?

Hiện tượng thủy kích rất dễ xảy ra ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh..., bởi hệ thống thoát nước còn khá yếu kém, thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn.

Dù đã trang bị kiến thức để phòng tránh hiện tượng thủy kích, tuy nhiên cũng không thể tránh hoàn toàn được các sự cố bất ngờ xảy ra.

Vì vậy, tài xế có thể tham khảo việc mua bảo hiểm thủy kích, giúp giảm thiểu được thiệt hại cũng như chi phí sửa chữa khi sự cố xảy ra.