Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện có rất nhiều phương tiện đến và quá hạn đăng kiểm không thực hiện kiểm định chất lượng phương tiện xe cơ giới. Tình trạng phương tiện quá hạn kiểm định, phương tiện hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ô nhiễm môi trường.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT
Theo thống kê hiện nay trên cả nước có khoảng trên 4 triệu xe ôtô. Tuy nhiên tình trạng phương tiện quá hạn kiểm định, phương tiện hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông đang tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ô nhiễm môi trường. Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính tới 25/10, Hà Tĩnh có 4.704 phương tiện cơ giới đường bộ quá hạn kiểm định. Trong số đó, có 989 xe ôtô con, 179 ôtô khách, 312 xe rơmoóc và sơmi rơmoóc, 3.224 ôtô tải và chuyên dùng. Thời gian quá hạn đăng kiểm: Quá hạn từ 1 tháng đến trên 24 tháng.
Nguyên nhân các phương tiện quá hạn đăng kiểm do mấy năm dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách hàng, vận chuyển hàng hóa kém dẫn đến không có tiền để sửa chữa phương tiện, phí duy tu đường bộ...
Theo quy định, xe hết hạn đăng kiểm là không được phép lưu hành, nếu muốn đi đăng kiểm sẽ phải dùng xe cứu hộ. Việc các phương tiện “trốn” kiểm định kỹ thuật không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu phục vụ bảo trì đường bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Kiên quyết loại bỏ phương tiện không đảm bảo chất lượng
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe sẽ lên đến từ 4-6 triệu đồng theo quy định tại điểm e, khoản 5, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Tuy nhiên không chỉ tài xế, nếu chủ xe là các các nhân, tổ chức cũng sẽ bị xử phạt nếu giao phương tiện quá hạn đăng kiểm cho tài xế xe. Tại điểm b, khoản 8, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với cơ quan, tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự… nếu đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.
Trường hợp ô tô, xe cơ giới, xe máy chuyên dụng quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng. Chủ xe là tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính ở mức 12-16 triệu đồng theo điểm c, khoản 9, điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Do đó, đối với những xe quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, cả tài xế và chủ xe là cơ quan, tổ chức có thể bị phạt tổng cộng lên tới 22 triệu đồng cùng với việc bị tước giấy phép lái xe đến 3 tháng.Vì vậy các tài xế, chủ xe cần chú ý theo dõi chu kỳ đăng kiểm phương tiện của mình để tránh bị quá hạn.
Để siết chặt quản lý trong công tác kiểm định phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước về việc đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông vận tải và phòng chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác kiểm định phương tiện giao thông vận tải.
Các đơn vị đăng kiểm thực hiện việc kiểm định đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiên quyết không cấp giấy chứng nhận cho những phương tiện không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông. Khi kiểm định phương tiện, đơn vị phải kiểm tra đầy đủ các hạng mục kiểm tra theo quy định, không được kết luận và thông báo cho khách hàng về việc phương tiện không đạt tiêu chuẩn khi chưa thực hiện kiểm tra đầy đủ các hạng mục theo quy trình, quy định.