Phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm đi xe ga đổ đèo: Những kỹ năng sống còn nhất định phải biết!

Việc chọn xe ga cho chuyến đi đến những nơi địa hình nhiều đèo dốc mà không nắm được những lưu ý, kỹ năng quan trọng chính là nguyên nhân dẫn tới những tai nạn đáng tiếc.

Thông thường, xe số sẽ là phương tiện phổ biến được chọn để đi phượt, đặc biệt là tới những nơi địa hình hiểm trở, đèo dốc. Tuy nhiên, cũng nhiều người lại chọn xe tay ga vì những ưu điểm nhất định.

Đó là cốp đựng đồ rộng rãi, chỗ ngồi thoải mái, tạo sự dễ chịu hơn nếu đi trên những cung đường dài. Ở một số dòng xe ga cũng trang bị lốp không săm, không lo thủng lốp trong chuyến đi.

Trên hết, xe ga là phương tiện di chuyển dễ sử dụng hơn, phổ biến trong đời sống thường nhật của bộ phận đông người dân hiện tại.

Phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm đi xe ga đổ đèo: Những kỹ năng sống còn nhất định phải biết! - Ảnh 1.

Bên cạnh xe số, nhiều người chọn xe tay ga trong những chuyến đi dài vì những ưu điểm nhất định. (Ảnh minh họa)

Song, việc chọn xe tay ga khi đi đường dài, đi phượt cũng tiềm ẩn không ít rủi ro xảy ra tai nạn trên hành trình. Gần đây nhất, là vụ việc 3 người mất phanh trên đường đèo Tam Đảo, may mắn đã có người ứng cứu kịp thời nên cả 3 chỉ bị thương.

Vì sao đi xe ga lại mất an toàn hơn?

Lý giải cho việc đi xe ga mất an toàn hơn là do các cấu tạo bên trong của loại phương tiện này.

Đầu tiên phải kế tới đó là thiết kế xe khá lớn, gầm xe thấp nên khi di chuyển trên đường dốc hoặc địa hình gập ghềnh có thể gây ra những khó khăn, sự cố.

Tiếp đến là các xe ga đều sử dụng hộp số tự động hay còn là hộp số CVT. Bộ phận này giúp xe có khả năng tăng và giảm tốc liên tục trong điều kiện đường bằng phẳng, dễ dàng điều khiển bằng việc bóp phanh tay. Tuy nhiên, nó lại không thực sự phù hợp khi đi phượt, tới những nơi có nhiều đèo, dốc.

Bởi đường đèo dốc với những khúc cua luôn đòi hỏi người lái phải liên tục giảm tốc đột ngột. Và nếu bóp phanh liên tục sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến hiện tượng cháy má phanh, mất phanh.

Phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm đi xe ga đổ đèo: Những kỹ năng sống còn nhất định phải biết! - Ảnh 2.

Phanh đột ngột và liên tục bằng xe ga rất nguy hiểm, vì dễ dẫn đến hiện tượng cháy má phanh, mất phanh. (Ảnh minh họa)

Còn ở xe số, ta có thể phanh tay kết hợp với phanh động cơ bằng cách về số thấp. Khi xuống số thấp, xe sẽ cần lực kéo lớn hơn, nhưng không thêm ga, từ đó xe sẽ chạy chậm hơn. Ví dụ khi chọn số 4, vẫn thấy xe chạy nhanh quá mức thì về số 3 để ghìm xe lại.

Những kỹ năng sống còn khi đi xe ga đi phượt

Trên thực tế, việc sử dụng xe ga đi phượt cũng không hoàn toàn là không thể. Tuy nhiên, người lái phải thật sự là một tay lái cứng, nắm được các kỹ năng quan trọng và có phản xạ nhanh nhạy để xử lý tình huống kịp thời.

Dưới đây là các kỹ năng sống còn, giúp đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro khi sử dụng xe ga khi đi phượt được các “phượt thủ” có kinh nghiệm chia sẻ lại

    Tuyệt đối không tắt máy khi đổ đèo

Nhiều người thường lầm tưởng rằng khi đổ đèo, xuống dốc, xe có thể tự đi mà không cần động cơ nên tắt máy đi để… tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên đây là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm và rất nguy hiểm.

Phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm đi xe ga đổ đèo: Những kỹ năng sống còn nhất định phải biết! - Ảnh 3.

Bỏ ngay thói quen tắt máy khi đổ đèo, xuống dốc vì việc làm này có thể dẫn tới những tai nạn nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Khi tắt máy, nếu xảy ra trường hợp bất thường bạn sẽ không thể xử lý kịp thời, bạn cũng không thể kiểm soát được tốc độ mình đang đi là bao nhiêu. Vì vậy tốt nhất tuyệt đối hãy bỏ ngay thói quay tắt máy khi đổ đèo hay xuống dốc.

    Giữ tốc độ an toàn

Khi đổ dốc, vừa mớm nhẹ ga vừa rà phanh để giữ vận tốc ổn định. Giữ tốc độ an toàn trong khoảng 15km - 40km, tức là không nhỏ hơn 15 và không lớn hơn 40. Tốc độ này sẽ giúp bộ phận côn xe bám tốt, từ đó phanh hoạt động hiệu quả.

Phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm đi xe ga đổ đèo: Những kỹ năng sống còn nhất định phải biết! - Ảnh 4.

Giữ vận tốc an toàn khi đổ đèo là 15 - 40km. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, khi tới những khúc cua hiểm trở, bạn cũng nên phanh để giảm vận tốc về khoảng 10, hay thậm chí là 5km/h để giữ an toàn.

    Không bóp “chết” phanh

Như đã nhắc ở trên, bóp chết phanh tức là giữ phanh ở trạng thái phanh liên tục. Việc này có thể gây nóng má phanh, dẫn đến cháy, mất phanh. Vì vậy, tuyệt đối không nên làm hành động này.

Thay vào đó, nếu thấy xe lao dốc quá nhanh, hãy nhấp nhả phanh liên tục để giảm tốc độ xe di chuyển về trong khoảng an toàn. Cũng đừng quên giữ khoảng cách ít nhất là 30 – 40m với các phương tiện di chuyển phía trước.

    Bảo dưỡng xe trước khi lên đường

Khi dùng xe đi đường dài, hay đặc biệt là đi phượt, bạn cần đảm bảo kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện thật kỹ càng trước khi lên đường. Các bộ phận quan trọng có thể kể tới như như phanh, lốp, gương, đèn, ắc quy, xi nhan, bugi…

Phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm đi xe ga đổ đèo: Những kỹ năng sống còn nhất định phải biết! - Ảnh 5.

Khi dùng xe đi đường dài, hay đặc biệt là đi phượt, bạn cần đảm bảo kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện thật kỹ càng trước khi lên đường. (Ảnh minh họa)

Cũng nên mang theo những dụng cụ sửa xe cần thiết, ghi lại các địa chỉ và số điện thoại của tiệm sửa xe (nếu có) trên cung đường phòng khi gặp sự cố bất chợt.