Ngày 25/9, hãng xe Renault đã phát đi thông báo chính thức về việc trở lại thị trường xe Việt Nam thông qua công ty CT-Wearnes. Đây là nhà phân phối đang nắm hàng loạt thương hiệu xe sang đình đám tại thị trường Việt Nam như Lamborghini, Bentley, Aston Martin và Ducati.
Hãng xe Pháp trở lại Việt Nam với 2 mẫu xe là Renault Kaptur và Renault Arkana. Nếu như Renault Kaptur là mẫu SUV hạng B cùng phân khúc với những cái tên hot như Hyundai Kona, Ford EcoSport, Kia Seltos hay MG ZS thì Renault Arkana lại là mẫu SUV có kiểu dáng coupe, nằm cùng tầm giá 1 tỷ đồng với những cái tên bán chạy không kém là Mazda CX-5, Subaru Forester, Honda CR-V,…
Sau khi những thông tin về mức giá và trang bị của Renault Arkana được đăng tải, cư dân mạng ngay lập tức phản hồi khá gay gắt và có nhiều bình luận tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng chiếc xe được định giá niêm yết từ 1 tỷ đồng này có những trang bị chưa thực sự xứng tầm.
Không khó để tìm thấy những bình luận gay gắt của cộng đồng mạng về Renault Arkana.
Những phản hồi này là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào những trang bị mà Renault Arkana đang có. Hệ thống chiếu sáng trên phiên bản cao cấp nhất vẫn sử dụng đèn halogen ở một số vị trí. Xe vẫn sử dụng ăng-ten "râu" thay vì ăng-ten vây cá. Nội thất khá thô trong thiết kế và gây bất ngờ khi vẫn sử dụng ghế nỉ, phanh tay cơ học, điều hoà 1 vùng và không có cửa sổ trời. Về an toàn, xe cũng mất điểm khi chỉ sử dụng phanh tang trống ở hệ thống bánh sau.
Nội thất của Renault Arkana là một điểm trừ lớn.
Trong khi đó, những không gian này lại là thế mạnh của những đối thủ cùng phân khúc.
Nói một cách công bằng, Renault Akarna vẫn có được một số ưu điểm như màn hình giải trí 8 inch tích hợp Apple Carplay/Android Auto, dàn âm thanh tới từ Bose, tuy nhiên ngần đó là khá ít ỏi để có thể đánh bại những đối thủ khác.
Nhìn sang Honda CR-V, Mazda CX-5 hay thậm chí là Subaru Forester, nội thất được thiết kế "long lanh" và nịnh mắt người tiêu dùng. Những gói trang bị an toàn như Honda Sensing trên Honda CR-V, i-Sight trên Subaru Forester đang là cuộc đua của các hãng xe nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và hoàn toàn bỏ xa những trang bị an toàn cơ bản trên Renault Arkana như camera lùi, cảm biến lùi, kiểm soát hành trình (Cruise control) và giới hạn tốc độ (LIM).
Theo giải thích của một số chuyên gia, việc được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga (khí hậu lạnh và ưa chuộng ghế nỉ) là một trong những nguyên nhân chính khiến Renault Arkana thiệt đơn thiệt kép. Phiên bản Renault Arkana tại Nga bị cắt khá nhiều tính năng. Chưa kể, là xe nhập khẩu nên Renault Arkana cũng yếu thế khi người tiêu dùng đang ưu ái hơn trong việc mua xe trong nước sau quy định mới về việc hỗ trợ phí trước bạ đối với xe lắp ráp, được chính phủ ban hành và có hiệu lực đến hết năm 2020.
Chính vì vậy, đây sẽ là một bài toán không nhỏ với Renault trong lần trở lại này. Một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nhưng lại non trẻ tại Việt Nam như Renault sẽ gặp khó khi các hãng xe đang dần lấp đầy các phân khúc bằng những sản phẩm chiến lược.