Khai báo y tế tự nguyện: Ai cần khai báo?

Khai báo y tế tự nguyện là hình thức cập nhật tình trạng sức khoẻ, sự di chuyển, nguy cơ lây nhiễm của mỗi người để ngành y tế nhanh chóng đưa ra các biện pháp dự phòng và cách ly.
Khai báo y tế tự nguyện: Ai cần khai báo?

Cần người dân tự giác để đẩy lui dịch bệnh

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 34 ca mắc Covid- 19, đáng lưu ý, chỉ trong 4 ngày từ 6/3- 10/3, đã ghi nhận 18 trường hợp.

Trong đó 13/18 ca mắc mới đi cùng chuyến bay VN0054 từ London về Hà Nội, 2 ca nhiễm thứ phát từ bệnh nhân thứ 17, 1 trường hợp nhập cảnh từ Daegu, Hàn Quốc vào Việt Nam ngày 4/3/2020 và 1 trường hợp công dân Việt Nam từ Anh trở về nước ngày 9/3/2020.

Từ ngày 10/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona đã yêu cầu khai báo y tế tự nguyện toàn dân.

Trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế), ông Phu cho biết để khai báo sức khỏe, người dân có thể truy cập vào https://tokhaiyte.vn/ hoặc tải các ứng dụng hỗ trợ, điền thông tin theo hướng dẫn.

 Khai báo y tế tự nguyện: Ai cần khai báo? - Ảnh 1.

Khai báo y tế điện tử dành cho toàn dân trên hình thức tự nguyện

Các thông tin khai báo bao gồm tên tuổi, địa chỉ, quốc tịch, số hộ chiếu, phương tiện đi lại, tình trạng sức khỏe trong 14 ngày (ho, khó thở, sốt, đau họng, buồn nôn, tiêu chảy…), lịch sử phơi nhiễm trong vòng 14 ngày như có từng đi qua các trang trại chăn nuôi, buôn bán động vật, có tiếp xúc gần dưới 2 m với người mắc Covid-19…

Riêng những hành khách xuất nhập cảnh vào Việt Nam, sau khi khai báo thông tin đầy đủ, sẽ qua gặp nhân viên kiểm dịch y tế để lấy bản xác nhận trước khi qua quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Khi người dân đã khai báo trên hệ thống, căn cứ vào những thông tin được cung cấp, cơ quan y tế địa phương kịp thời liên lạc và hỗ trợ theo dõi sức khỏe. Đặc biệt, với những trường hợp có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, có tiếp xúc hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

PGS. Nguyễn Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân việc khai báo y tế là phục vụ phòng chống dịch, đòi hỏi sự tự giác, sự vào cuộc của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Việc làm này nhằm giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời trong trường hợp có ca bệnh, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết, việc khai báo y tế là cách để Ban chỉ đạo phòng chống dịch có thể nắm bắt được những người có triệu chứng, những nười có nguy cơ lây nhiễm vì trong phần mềm khai báo có đầy đủ từ tên, tuổi, triệu chứng cho tới khu vực đi đến.

Hiện nay, ở một số nơi người dân bắt đầu đi khai báo y tế, theo bác sĩ Khanh không bắt buộc 90 triệu người đều phải khai báo y tế những người hay đi lại, di chuyển, làm việc trong môi trường có yếu tố nguy cơ thì nên tự khai báo để phòng bệnh cho mình.

Bác sĩ Khanh cho biết việc khai báo thông tin hoàn toàn bảo mật, người khai báo không cần quá lo lắng về danh tính.

Việc tải app về khai báo y tế, bác sĩ Khanh cho biết thuận tiện hơn đến trực tiếp các cơ sở y tế khai báo, giảm nguy cơ tập trung đông người hơn.

Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho biết hiện nay để biết mình thuộc nguy cơ như thế nào có thể tham khảo sơ đồ về cách ly theo thứ tự F.

Ví dụ: F0 tức là ca dương tính thì đi điều trị. F1 (người tiếp xúc trực tiếp với F0): báo cho y tế quận và đi cách ly tại bệnh viện. Đồng thời tự báo cho F2 (ngưới tiếp xúc với F1). F2: báo cho y tế quận rồi làm theo hướng dẫn cách ly và báo cho F3 (người tiếp xúc gần với F2) biết. F3: tự cách ly tại nhà. F4, F5: theo dõi cập nhật tình hình các F trên.

Tình trạng F có thể thay đổi tùy kết quả xét nghiệm của các F trên nên cần báo y tế quận để nhận được thông tin sớm nhất. Khi không biết mình là F gì thì hãy cách ly khi ho sốt.