Với phần lớn các gia đình, mua nhà và mua xe đều là những mục tiêu lớn mà họ phấn đấu thực hiện. Nếu không dựa vào "nhà tài trợ kim cương" là ông bà hai bên, bản thân cũng chẳng quá dư dả, có lẽ sẽ không nhiều cặp vợ chồng dám quyết liệt vay ngân hàng để tậu cả nhà lẫn xe trong vòng 1 năm.
Gia đình Thế Thành (31 tuổi) và Ngọc Hương (30 tuổi) lại thuộc nhóm "số ít" ấy.
Năm 2022, ngay khi biết tin bản thân sắp được "thăng chức" thành bố mẹ, Thế Thành đã nghĩ ngay đến việc phải mua nhà để thoát cảnh ở thuê. Thời điểm đó, vợ chồng anh đã có 1,5 tỷ tiết kiệm và chỉ phải vay ngân hàng thêm "một ít" là đủ tiền trả đứt một căn hộ 2 phòng ngủ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Đến khi con được 9 tháng, Thế Thành lại cảm thấy gia đình mình cần có thêm chiếc ô tô để tiện về quê và đi lại trong thành phố. Nghĩ mất 3 tháng, ông bố này quyết định tiếp tục vay tiền ngân hàng để tậu chiếc ô tô 4 chỗ, giá lăn bánh hơn 700 triệu đồng.
"Rất tự tin với khả năng trả nợ nên mới dám vay tiền mua nhà, mua xe trong 1 năm"
Thế Thành cho biết kể từ khi mua nhà và mua xe, mỗi tháng, gia đình anh phải trả tổng cộng 22 triệu cho ngân hàng. Đây hoàn toàn không phải một số tiền nhỏ, nhưng Thế Thành khẳng định cuộc sống của vợ chồng anh cùng con nhỏ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi khoản nợ này.
"Trước khi quyết định vay tiền để làm bất cứ việc gì, vợ chồng mình cũng đều tính toán đến khả năng trả nợ trong trường hợp tệ nhất. Nghĩa là nếu lúc đó một trong hai hoặc cả hai không duy trì được nhiều nguồn thu nhập như bây giờ nữa thì có khả năng trả nợ, đồng thời đảm bảo duy trì được mức sống hay không? Tự tin là có thì chúng mình mới đi vay" - Thế Thành chia sé.
Dù không tiết lộ cụ thể thu nhập của gia đình trong một tháng, nhưng Thế Thành cho biết ngoài công việc chính, anh và vợ đều có thêm việc tay trái. Bản thân Thế Thành là một chuyên viên phân tích dữ liệu. Ngoài thời gian làm full-time cho công ty ở Việt Nam, anh còn làm việc từ xa cho 2 công ty nước ngoài, một công ty ở Úc và 1 công ty ở Đức. Thế Thành đã duy trì 3 công việc này trong suốt 3 năm qua.
Trong khi đó, vợ anh là kế toán và có kinh doanh online. Công việc kinh doanh trộm vía thuận lợi và tăng trưởng đều.
"Trước khi mua nhà, chúng mình đi thuê nhà cũng đã mất 10,5 triệu đồng/tháng; cộng thêm cả tiền điện nước và phí dịch vụ vào nữa, cũng hơn 12 triệu rồi. Vay ngân hàng mua nhà thì số tiền phải trả hàng tháng cũng tương đương tiền thuê nhà thôi. Tiền vay mua xe thì ít hơn nhưng thời gian vay lại ngắn hơn nên áp lực trả nợ là có, nhưng như mình đã chia sẻ từ đầu, tất cả vẫn trong khả năng chi trả ngay cả trong hoàn cảnh tệ nhất là gia đình mình chỉ có 1 hoặc 2 nguồn thu nhập. Chi phí nuôi xe của nhà mình một tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng.
Cả tiền trả nợ lẫn tiền nuôi xe đều không ảnh hưởng tới chi tiêu và mức sống của gia đình, nên mình thấy ổn" - Thế Thành khẳng định lại một lần nữa.
Mỗi tháng trả nợ 22 triệu vẫn đủ tiền mua vàng tích sản và duy trì quỹ dự phòng, gửi tiết kiệm!
Trước khi về chung 1 nhà, vợ chồng Thế Thành và Ngọc Hương đã "thỏa thuận" rằng vợ sẽ là người quản lý chi tiêu trong gia đình. Các quyết định lớn như mua nhà tậu xe, hai vợ chồng sẽ bàn bạc cùng nhau, còn những khoản chi nhỏ hơn như sắm sửa nội thất, đồ gia dụng, Ngọc Hương được toàn quyền quyết định.
Chia sẻ về mức chi tiêu của 2 vợ chồng và 1 em bé 23 tháng tuổi, Ngọc Hương áng chừng "khoảng 52-53 triệu cả tiền trả nợ".
"Vợ chồng mình tự nấu ăn gần như tất cả các ngày trong tuần, chỉ có cuối tuần là sẽ đưa con đi khu vui chơi, hoặc cả nhà đi cà phê rồi ăn ngoài thôi. Bé nhà mình đã đi học và ăn sáng, ăn trưa ở trường, tối mới ăn cùng bố mẹ. Nhìn chung, mình thấy chúng mình đang chi tiêu khá tiết kiệm và có quy củ rồi, không có khoản nào cần tiết chế" - Tay hòm chìa khóa Ngọc Hương chia sẻ.
Cô còn cho biết thêm ông bà nội và ông bà ngoại ở quê cũng thường xuyên gửi đồ ăn cho hai vợ chồng nên cũng tiết kiệm được kha khá tiền ăn hàng tháng.
Nhìn vào bảng liệt kê các khoản chi phía trên, chúng tôi chợt nảy ra thắc mắc về chi phí nuôi xe vì rõ ràng, khoản này không được Ngọc Hương liệt kê vào các khoản chi tiêu chung.
"Mình chỉ tính tiền gửi ô tô, là 1,5 triệu đồng/tháng vào chi phí chung thôi. Còn tiền xăng hay các khoản khác thì chồng mình tự lo, trích từ tiền chi tiêu cá nhân thôi" - Ngọc Hương vừa giải thích vừa cười.
Với mức chi tiêu như thế này, Ngọc Hương cho biết hàng tháng, vợ chồng cô vẫn mua được nửa chỉ vàng (với mức giá vàng cao như hiện tại); đồng thời duy trì được quỹ dự phòng và quỹ tiết kiệm dài hạn.
"Vợ chồng mình thống nhất trong vòng 5 năm nữa sẽ chỉ tập trung làm việc, tiết kiệm để trả hết nợ ngân hàng. Sau đó, mới tính đến chuyện đầu tư vì cả hai đứa đều không có kiến thức, kinh nghiệm đầu tư mà liều lĩnh thì cũng khá rủi ro. Riêng việc vay tiền mua nhà và mua xe trong 1 năm thôi đã là liều lắm rồi. Trộm vía may mắn công việc của cả hai đứa đều ổn định đấy" - Ngọc Hương chia sẻ.