Một số tính năng an toàn chống lật xe mà khách hàng cần quan tâm

Hiện nay có rất nhiều các tính năng an toàn chống lật xe, tùy vào nhà sản xuất và từng loại xe mà trang bị cũng sẽ khác nhau
Lật xe

Theo các lái xe có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, thông thường ô tô bị lật do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, các tình huống vào cua, rẽ gấp, kinh nghiệm lái xe thì các bộ phận trên xe cũng là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng ví dụ như lốp xe bị nổ…

Nhiều nguyên nhân khiến ô tô bị lật

Các tình huống xe bị lật ngang thường xảy ra khi xe vào cua, rẽ gấp, bẻ ngang đột ngột… Khi đó trọng lực, lực ly tâm (lực quán tính) và lực từ mặt đường tác động lên lốp xe. Lực ly tâm (hay lực quán tính) hướng ra ngoài tâm quay. Lực này phụ thuộc vào vận tốc của xe. Trong khi lực từ mặt đường tác động lên lốp xe lại hướng vào tâm quay. Nếu lực hướng ra ngoài (lực ly tâm) lớn hơn lực hướng vào trong thì ô tô sẽ có xu hướng lật ra ngoài cung quay vòng.

Xe ô tô sẽ bị lật khi lực ly tâm và lực từ mặt đường tác động lên lốp lớn hơn trọng lực của xe. Đây chính là lý do vì sao xe trọng tâm càng cao càng dễ bị lật như SUV, xe bán tải, xe tải hơn các xe trọng tâm thấp như sedan hay hatchback.

Ngoài ra, xe ô tô bị lật ngang cũng có thể do chạy trên đường có độ nghiêng quá lớn. Khi này trọng lực vốn tác động theo phương thẳng sẽ bị lệch góc. Góc lệch càng lớn thì xe càng dễ lật. Chỉ cần lực kéo xuống lớn hơn lực bám của lốp xe là ô tô bị lật.

Ô tô bị lật dọc thường xảy ra trong trường hợp xe đâm trực diện vào chướng ngại vật với tốc độ cao. Khi này vật cản bị đâm đóng vai trò là tâm quay, còn lực quán tính sẽ khiến xe quay quanh vật cản. Do lực quán tính tỉ lệ thuận với tốc độ nên xe chạy càng nhanh càng dễ bị lật.

Bên cạnh đó, điều kiện đường sá cũng ít nhiều được xem là nguyên nhân lật xe ô tô. Khi chạy đường mấp mô, gồ ghề, độ nghiêng hay độ dốc lớn… nếu không cẩn thận, nhất là chạy tốc độ cao xe sẽ rất dễ bị mất trọng tâm và kết quả là bị lật. Đặc biệt khi đường mưa ẩm ướt, trơn trượt cũng tiềm ẩn rủi ro xe bị trượt, dẫn đến xe mất lái và lật ngửa.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan trên, việc người lái xe mất tập trung, thiếu quan sát, chủ quan chạy tốc độ cao, lái xe sau khi sử dụng rượu bia…cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến lật xe.

Một số tính năng an toàn chống lật xe

Một số tính năng chống lật xe

Hiện nay, trên các dòng xe ô tô hiện đại đều được trang bị một số tính năng đảm bảo độ an toàn khi tham gia giao thông. Trong đó các hệ thống chống lật xe cũng được chú trọng hơn.

Cụ thể, hệ thống kiểm soát độ bám đường (traction control - TC) đã trở thành tính năng bắt buộc trên mọi dòng xe du lịch và xe tải nhẹ từ năm 2012. Kiểm soát độ bám đường là một tính năng điều khiển điện tử có khả năng giới hạn vòng quay bánh xe trong quá trình tăng tốc sao cho bánh xe duy trì được lực bám tối đa. Nhờ đó, người lái có thể kiểm soát xe tốt hơn, đặc biệt là trong điều kiện đường ướt hoặc trơn trượt.

Đặc biệt, hệ thống cân bằng tự động (ESP: electronic stability program) cũng được trang bị trên hầu hết các dòng xe hiện nay. Hệ thống này đặc biệt hữu ích không chỉ trên những mẫu xe hiệu suất cao mà còn rất cần thiết khi xe vận hành trong điều kiện có độ bám thấp như đường ướt, cát đất, băng tuyết hay trong những tình huống cần đánh lái gấp để tránh chướng ngại vật.

Hệ thống chống lật xe ROM cũng là một trang bị chống lật xe mà nhiều mẫu xe đã có, nó giúp theo dõi tốc độ của xe, nhận biết độ trượt ngang và góc lài, nếu phát hiện mất an toàn nó cũng can thiệp vào hệ thống phanh trên từng bánh xe để làm giảm lực ly tâm và tránh nguy cơ lật xe.

Hệ thống chống lật xe ROM thường sẽ phanh hai bánh trước đầu tiên, giúp hai bánh này chỉ bị trượt khoảng 2-3 cm, qua đó làm giảm lực ly tâm và tránh nguy cơ xe bị lật. Trong tình huống xấu nhất, ROM sẽ phanh cả hai bánh phía sau để giữ thăng bằng tốt hơn.

Các chuyên gia cũng lưu ý, để tránh rơi vào tình huống ô tô bị lật nguy hiểm, người lái xe nên tập trung, quan sát cẩn thận, chạy đúng tốc độ quy định, giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe… Khi chuẩn bị vào cua hay chạy đường trơn trượt thì nên giảm tốc độ để tránh xe bị thừa lái hay thiếu lái

Ngoài ra cũng cần chú ý bảo dưỡng ô tô định kỳ, thường xuyên kiểm tra áp suất và độ mòn lốp xe, chọn các loại lốp xe có độ bám tốt. Hiện nay có nhiều hệ thống an toàn giúp tăng độ ổn định và cân bằng của xe như hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống chống lật xe… Khi mua ô tô, nhất là dòng SUV/CUV nên ưu tiên chọn những xe có các trang bị này.