Trong đơn gửi Báo Giao thông, anh Thông Minh Chánh (trú tại số 7 Cao Bá Nhạ, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) tường thuật sự việc ngày 3/6/2022, anh điều khiển xe Huyndai Creta lưu thông trên đường thì xảy ra tai nạn tại địa chỉ số 220 Pasteur, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Tổn thất phần đầu xe Hyundai Creta ngày 3/6/2022 ước tính khoảng 35 triệu đồng
Nguyên nhân là do anh Minh Chánh không giữ khoảng cách với xe phía trước và gây tai nạn.
Ngay khi xảy ra tai nạn anh Minh Chánh đã lập tức liên hệ Công ty bảo hiểm BSH Sài Gòn và thông báo bằng văn bản.
Sau đó, phía Công ty bảo hiểm BSH Sài Gòn cử giám định viên tới giám định tổn thất và làm việc tại Huyndai Trường Chinh để giải quyết, thiệt hại được gara lên dự toán khoảng 35 triệu đồng.
Trong quá trình làm việc, bảo hiểm BSH Sài Gòn yêu cầu anh Minh Chánh đi xét nghiệm nồng độ cồn tại bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm Ethanol của anh Minh Chánh tại Công ty TNHH Y tế Hòa Hảo (bệnh viện Hoà Hảo) ngày 3/6/2022 cho kết quả là 2,94mg/dL, kết quả âm tính với nồng độ cồn (Negative
Ngày 9/6/2022 anh Minh Chánh nhận được công văn số 01327/CV-GĐBT của Công ty Bảo hiểm BSH Sài Gòn với nội dung: “Tổn thất vật chất xe Huyndai Creta 86E-001.20 nằm trong điểm loại trừ theo quy định của BSH”, căn cứ dựa trên kết quả xét nghiệm Ethanol tại bệnh viện Hoà Hảo ngày 3/6/2022 là 2,94mg/dL, điểm loại trừ thuộc tiểu mục 4 Điều 8 thuộc Quy tắc bảo hiểm ô tô của TCT CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội và Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của anh Thông Minh Chánh ngày 3/6/2022 tại bệnh viện Hòa Hảo
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Thông Minh Chánh cho hay: "Tôi rất ấm ức với việc BSH Sài Gòn từ chối bồi thường bảo hiểm, do bản thân không hề sử dụng rượu bia khi xảy ra tai nạn, đồng thời cơ thể tôi được bệnh viện xác nhận là âm tính với nồng độ cồn".
Nhận định về vụ việc, chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty Tư vấn bảo hiểm InFair) lập luận:
Thứ nhất, căn cứ theo Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyển ngành Hóa sinh” quy định về định lượng nồng độ cồn thể hiện: Trị số bình thường < 10.9mmol/L (tương đương với 50mg/dL). Kết quả từ 0mg/dL đến 50mg/dL là giá trị bình thường cho phép do thức ăn, quá trình sinh hóa của cơ thể, cơ địa mỗi người. Hàm lượng Ethanol theo phiếu xét nghiệm chỉ là 2,94mg/dL là thấp và thuộc trường hợp bình thường, không do sử dụng rượu bia.
Thứ hai, việc yêu cầu khách hàng đi xét nghiệm nồng độ cồn của bảo hiểm có nằm trong quy tắc bảo hiểm của BSH hay không, có đúng quy định pháp luật không? Bởi chiểu theo quy định tại theo điều 3 thông tư liên tịch 26/2014/TTLT- BYT - BCA quy định về việc xét nghiệm cồn trong máu để xử lý vụ việc TNGT, không hề có quy định giám định viên bảo hiểm yêu cầu khách hàng đi xét nghiệm nồng độ cồn.
"Bởi vậy, trường hợp của anh Minh Chánh, công ty bảo hiểm đã lợi dụng “số 0 tuyệt đối” về nồng độ cồn của Nghị định 100/2019 để làm khó khách hàng", ông Xuân nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một vị lãnh đạo Ban Giám định bồi thường của Tổng công ty CP bảo hiểm BSH cho hay, ông chưa nhận được báo cáo cụ thể về vụ việc, tuy nhiên sẽ cung cấp thông tin sau khi tập hợp đủ tài liệu liên quan.
Trước đó Báo Giao thông đã phản ánh nhiều trường hợp lái xe sau khi gặp tai nạn bị các hãng bảo hiểm từ chối bồi thường với lý do trong máu có cồn dù đã được các cơ quan y tế xác nhận mức độ cồn ở ngưỡng bình thường và có tự nhiên trong cơ thể, không phải do uống bia rượu.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.