Từ chiếc xe 'hổ vồ' ở TP Thủ Đức, tài xế cần biết mức phạt đối với xe đổi kích thước thành thùng xe

Từ chiếc xe "hổ vồ", các tài xế, chủ xe cần biết mức phạt khi thay đổi kích thước thành thùng xe, để tránh bị xử phạt nặng.

Ngày 28-6, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đã cắt thùng xe “hổ vồ” cơi nới vượt quy định mà đơn vị này đã phát hiện, lập biên bản khi tuần tra kiểm soát.

Trước đó, sáng 26-6, Đội CSGT-TT, Công an TP Thủ Đức cũng phát hiện xe “hổ vồ” có trọng tải trên 14 tấn mang BKS 36H-01.. do tài xế M điều khiển có biểu hiện cơi nới. Theo sổ đăng kiểm, chiếc xe trên có chiều cao thùng là 74,5 cm. Tuy nhiên, chiều cao thực tế của thùng sau lên tới 1,520 m.

Từ chiếc xe 'hổ vồ' ở TP Thủ Đức, tài xế cần biết mức phạt đối với xe đổi kích thước thành thùng xe - 1
Từ chiếc xe 'hổ vồ' ở TP Thủ Đức, tài xế cần biết mức phạt đối với xe đổi kích thước thành thùng xe - 2

Xe "hổ vồ" cơi nới được lực lượng CSGT đưa về trụ sở. Ảnh: TỰ SANG

Như vậy, mỗi tài xế, chủ xe đang có hành vi vi phạm thay đổi kích thước thành thùng xe nên nhanh chóng đưa xe về lại thiết kế cũ theo quy định của nhà sản xuất để tránh bị xử phạt nặng.

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TP.HCM, Công An TP.HCM, mức phạt vi phạm tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

- Chủ phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 2 Điều 55).

- Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 28).

Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện xe cơ giới phải chấp hành những quy định trên, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019.

Cụ thể, đối với xử phạt lỗi tự ý thay đổi kích thước thùng xe: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với điều khiển xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) (điểm đ khoản 3 Điều 16). Ngoài ra chủ phương tiện phải thay thế thiết bị (thùng xe) đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định (điểm a khoản 7 Điều 16).

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tham gia giao thông (điểm e khoản 9 Điều 30). Ngoài ra chủ phương tiện buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông (điểm d khoản 15 Điều 30).

Riêng lỗi chở hàng quá trọng tải quy định 35%: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50% (điểm a khoản 5 Điều 24). Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 tháng đến 3 tháng (điểm a khoản 9 Điều 24).

Ngoài ra, khi xe vượt quá trọng tải cho phép thì không chỉ người điều khiển xe, mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể: Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50%.

Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng.