Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chia sẻ chế độ địa hình cát Sand mode. Tôi luôn hiểu là chế độ địa hình cát, không hiểu theo nghĩa Offroad như mấy anh body on frame (xát xi rời) nhé.
Điều lưu ý đầu tiên, tôi khẳng định là bất kỳ một chiếc xe OFF ROAD HUYỀN THOẠI với TAY LÁI HUYỀN THOẠI, hay kể cả là VÔ ĐỊCH DARKAR đều có thể bị gục ngã bởi địa hình cát, đặc biệt là sa mạc. Không kể đâu xa, địa hình cát tại khu vực Bàu Trắng, Phan Thiết, các huyền thoại đỉnh nhất về off-road đều từng bị gục ngã và phải cứu hộ. Nguyên nhân thì có cả tỉ, nhưng kỹ năng người lái đóng vai trò rất quan trọng.
Quay trở lại vấn đề chính về kỹ năng, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân như sau:
1. Hiểu xe
Hiểu xe ở đây được hiểu là phải hiểu năng lực của xe. Với Sorento 4.0 Signature Diesel, lợi thế là AWD và có Sand Mode. Hệ thống Traction control trên xe sẽ tối ưu lực bám tốt nhất ở bánh không bị trượt, lực phanh cũng sẽ giảm và muộn hơn tránh phanh quá mạnh làm bánh bị lún trong cát, rev máy cao, số thấp… để luôn có torq cao bình thường sẵn sàn mô-men… Nói tóm lại là xe sẽ thích ứng với địa hình cát giống như việc bạn chuẩn bị dụng cụ đi xuyên sa mạc (bao gồm giầy trail, bình nước, kính chống nắng… và nhiều sức vào…).
Ngoài ra, nên nhớ rằng Sorento hay Santa Fe chỉ là dòng AWD, dùng cấu trúc unibody (khung thân liền khối), và đặc biệt không có chế độ Low range (chế độ số thấp) như các xe như Everest, Pajero Sport (hai mẫu xe này có drive mode)… Chính vì vậy, khả năng vượt cản và cày bừa của Sò không thể bằng hai mẫu xe kia, do Everest và Pajero Sport có tỉ số truyền cầu chậm cao hơn và có toq lớn hơn tại cầu chậm. Đây cũng là lý do trrong bài viết trước đây, tôi cũng từng chia sẻ: Sò và San chỉ nên theo chân đi xem Off-road, đón hoàng hôn hơn là đi Off-road.
Cuối cùng, hiểu xe ở đây được hiểu là Sorento sử dụng hệ dẫn động AWD nhưng luôn ưu tiên chạy cầu trước. Hãy thử chui xuống gầm, nhìn trục láp trước và sau, các bác sẽ thấy Láp trước to gấp đôi láp sau. Hơn nữa việc bố trí máy ngang ưu tiên về cầu trước cũng hợp lý. Tuy nhiên, việc ưu tiên cầu trước kèm theo việc đánh lái có thể sẽ giảm performance của xe khi đi địa hình so với các dòng 4WD, AWD máy dọc, ưu tiên cầu sau (xe Đức, xe Âu thường ưu tiên cầu sau nên họ đề cao cảm giác lái là vậy)…
2. Hiểu địa hình
Sau khi đã tìm hiểu kỹ về mẫu xe mình đang sở hữu thì điều tiếp theo chúng ta cần phải làm là tìm hiểu kỹ địa hình trước khi muốn chinh phục chúng. Địa hình cát có thể được chia ra thành nhiều dạng địa hình, bao gồm: Cát bãi biển, Cát sa mạc,… trong đó lại chia ra cát cứng, cát mềm, cát ẩm, cát ướt, cát buổi sáng khác cát buổi trưa…. Cát sau mưa khác cát nắng dài… Tuy nhiên, do giới hạn của bài viết, tôi xin lấy địa hình cát biển việt Nam và cát Bàu Trắng làm ví dụ…. vì cá nhân tôi cũng từng chơi và phải cứu hộ nhiều ở các điều kiện như vậy….
Cuối cùng, hiểu địa hình ở đây còn được hiểu là phải nắm được đường đi và đọc được địa hình một cách tương đối (việc này chỉ có cách trải nghiệm nhiều và ăn đòn nhiều thì mới ra việc được) nên tôi mạn phép chuyển qua kỹ năng mục 3.
3. Kinh nghiệm kỹ năng
Trước khi chơi ở địa hình cát lạ,tôi luôn tìm “Thổ địa” và và site check đường trước. Sau khi check, sẽ nhờ thổ địa hoặc người có trải nghiệm nhiều, dẫn đường trước và mình đi theo track quen. Sau khi quen và muốn thử cảm giác lạ, chinh phục ở track lạ thì luôn sẵn sàng ở bước tiếp theo.
Một điều anh em cần phải ghi nhớ là luôn có số điện thoại cứu hộ hoặc người hỗ trợ, hoặc luôn có 1 xe theo để hỗ trợ cứu hộ với các đồ cứu hộ luôn có trên xe (xẻng, dây kéo….)
Bên cạnh đó, tất cả các đồ trong xe cần được xếp gọn vì khi chạy địa hình cát, xe luôn có xu hướng lạng và nảy vì cát không phẳng và mình thường đánh lái theo địa hình… tránh đồ bị nảy xóc, và đặc biệt lưu ý xếp gọn đồ cứng vì chúng có thể gây sát thương…
Về kỹ thuật lái thì bạn nên hạ áp xuất lốp xuống 1,5kg/cm2 (ta hay gọi tắt là 1,5 ký), hoặc thấp hơn là 1,2kg/cm2 hoặc thậm chí 1kg/cm2… để tối ưu độ bám của lốp trên bề mặt địa hình cát. Lưu ý, khi áp suất hạ càng thấp, tránh siết cua mạnh, tốc độ lớn, kẻo lốp bay ra ngoài và lật xe (người Thái sang Bàu trắng từng bị vấn đề này với một huyền thoại offroad là bài học…). Bạn cần trải nghiệm nhiều để đọc được địa hình và chọn áp suất lốp tối ưu. Con số 1,2kg/cm2 thậm chí đến 1kg/cm2 là con số mà mình được bác Masuoka (tay đua từng vô địch Darka Rally) chia sẻ khi mình ngồi cùng bác lái tại Bàu Trắng vào năm 2018.
Khi lái trên địa hình cát, bạn nên lái theo cách “lái máy bay”, đọc địa hình từ xa bằng cách quan sát từ xa để tăng hoặc giảm ga phù hợp. Tôi rất thích câu slogan của Land Rover về kỹ năng lái xe đường địa hình: "As slow as possible, as fast as necessary".
Trong trường hợp bị lầy, bạn nên giảm ga và bắt đầu tăng ga nhẹ nhàng đến khi cảm nhận được các bánh chuyển động nhẹ và tiếp tục ga đều để thoát khỏi lầy. Trường hợp bị pan thì tìm cách lùi lại, pan quá buộc phải cứu hộ. Đừng cố đào, đừng cố bơm ga, càng bơm như cao tốc chỉ khiến xe các bạn lún sâu vào, nguy hiểm nhất là toàn bộ trục láp nằm trong cát luôn thì cứu hộ cực kỳ vất vả.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh phanh đột ngột trên cát, đặc biệt là khi lên dốc. Khi đỗ xe, chọn địa hình dốc nhẹ xuống để khi xe lăn bánh trở lại dễ dàng hơn…
Khi gặp các đụn cát lớn, tìm cách đi vòng qua nó hơn là bay qua nó. Cái giá đắt là cố bay qua, bạn có thể bị lộn vài vòng… Trường hợp muốn vượt núi cát, vách, bạn cần dừng xe để check địa hình bên kia là gì, ước tính được tốc độ vượt qua, đừng cố bay, vì bay tốc độ quá cao, khi đáp đầu xe sẽ cắm xuống do động cư phía trước nặng dễ bị lật xe… Hãy luôn nhớ CHECK và CHECK và CHECK nhé…
Khi chơi trên địa hình lạ dạng ngẫu hứng với 1 xe đơn lẻ, vắng dân,… bạn nên nghiên cứu địa hình trước bằng cách track walk để tính toàn đường cho xe chạy giảm thiểu rủi ro, và nếu được thì cố gắng bám gần điểm neo ra nhất.
Trường hợp đi vào đồi cát bao la như Bàu Trắng, nếu gặp giông bão cát (thực tế có nhiều), hãy đỗ xe tắt máy, đuôi xe hướng vào chiều gió bão cát tránh hỏng động cơ. Tôi còn nhớ cách đây hơn chục năm tôi có tham gia 1 chương trình, 3 xe tan turbo tại vì cát phá huỷ turbo nhé.
Với bãi cát ở biển, cần đặc biệt lưu ý mốc thuỷ triều lên và các vũng nước cát, dòng nước chảy trên cát lạ… lưu ý là nó có thể nuốt chửng xe của bạn… Tôi đã từng dính ở bãi Sầm Sơn từ những năm 2009.
4. Dụng cụ và những lưu ý
Các đồ tối thiểu cần có cho chuyến đi chinh phục địa hình cát bao gồm: thiết bị đo áp suất, bơm điện công suất cao để bơm cho nhanh, găng tay, nước nhiều… phòng khi nằm trong cát còn có đồ uống, mất nước nhanh người rất mệt..
Khi quay trở lại đường Road, các bạn nhớ bơm lại lốp, kiểm tra lốp kỹ, kiểm tra xem có gì bất thường không.Khi xe về nhà, các bạn nhớ đi vệ sinh khoang máy, rửa gầm, tháo táp bi cửa vệ sinh nếu chạy tung, cuộn cát thành sóng.
Những chia sẻ trong khuôn khổ bài viết này cũng chỉ thể hiện được phần nhỏ so với các tình huống thực tế tôi đã gặp, và bài học sẽ không bao giờ hết với địa hình cát. Tuy nhiên, các bác nên tự tin trải nghiệm với địa hình cát vừa phải với những điểm chính tôi tóm tắt như sau:
1. Luôn bảo đảm có số điện thoại, người và phương tiện cứu hộ
2. Hạ áp suất lốp 1,5kg/cm2 hoặc 1,2kg/cm2 hoặc 1kg/cm2 (1kg/cm3 cần có kinh nghiệm)
3. Chuyển sang Sand Mode (xe có drive mode) để xe hỗ trợ bạn một cách tốt nhất trên địa hình cát
4. Kiểm tra đọc được địa hình và lái xe theo phong cách của một quý ông bình tĩnh, mềm mại
Chúc các bác có những trải nghiệm lái Sand Mode an toàn và tuyệt vời!
Lê Hùng (KenhTinXe.Com)