Việc sử dụng biển số xe giả để che mắt lực lượng chức năng nhằm tránh bị phạt nguội, thực hiện hành vi sai pháp luật hoặc chỉ đơn giản là "sống ảo" sẽ đều bị xử phạt nghiêm theo quy định mới nhất trong năm 2022.
Mức phạt cho hành vi lắp biển số xe giả
Đối với người điều khiển ôtô, các loại xe tương tự xe ôtô (bao gồm cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc), nếu vi phạm lỗi "điều khiển xe gắn biển số giả không do cơ quan có thẩm quyền cấp" sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 8.000.000 - 12.000.000 đồng đối với tổ chức, theo Khoản 9, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Mức phạt cũ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là 800.000 - 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Ngoài ra, theo quy định mới nhất áp dụng từ ngày 1/1/2022 về mức xử phạt hành vi bán biển số giả đã được tăng lên gấp 10 lần so với trước đây. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 20.000.000 - 24.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Khoản 1, Điều 29, Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Mức phạt cũ tại Khoản 1, Điều 29, Nghị định 100/2019/NĐ-CP là từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với tổ chức
- Phạt tiền từ 30.000.000 - 35.000.000 đối với cá nhân; từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Mức phạt cũ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức (Khoản 2, Điều 29, Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Vi phạm lỗi lắp biển số giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc sử dụng hoặc sản xuất biển số giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự. Cụ thể:
"1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 - dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50. 000.000 triệu đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 - 50.000.000 triệu đồng.
Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000 - 50.000.000 triệu đồng và phạt 7 năm tù.