Ngày nay khi xe máy đã trở thành phương tiện phổ biến thì việc độ xe hay thể hiện cá tính, phong cách cá nhân qua chiếc xe của mình đã không còn xa lạ. Tuy nhiên điều này không được cơ quan quản lý khuyến khích bởi một chiếc xe nguyên bản sẽ đảm bảo đúng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của nhà sản xuất.
Việc tự ý độ xe như thay đổi màu sơn, cấu tạo, hình dáng,…có thể gây khó khăn cho việc quản lý hoặc sai lệch tiêu chuẩn kỹ thuật và có thể không đảm bảo an toàn cho chủ phương tiện và những người tham gia giao thông khác. Chẳng hạn như việc thay bóng đèn sai tiêu chuẩn sẽ khiến người đi đường bị chói mắt. Hoặc lốp không đúng kích cỡ làm sai lệch thông số đồng hồ tốc độ, dẫn đến việc chạy quá tốc độ…
Khoản 1, điều 30, nghị định 100/2019 quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.
Khoản 5, điều 30, nghị định 100/2019 quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;
b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Ngoài ra tại điểm a, khoản 15, điều 30, nghị định 100/2019 còn quy định: Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.