Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 136/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/1/2021 tới đây, thay thế Nghị định 79/2014 quy định về cùng nội dung được ban hành cách đây sáu năm.
Điểm đáng chú ý, Điều 8 của nghị định này đã có quy đinh cụ thể về việc bảo đảm an toàn PCCC cho phương tiện giao thông cơ giới. Theo đó, quy định chỉ yêu cầu các "phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải đảm bảo điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy".
Mặt khác, những điều kiện cần đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ khác cũng được áp dụng nhưng chỉ dành cho các phượng tiên giao thông cơ giới đường bộ trên 9 chỗ ngồi.
Năm 2015, căn cứ theo Nghị định 79, Bộ Công an ban hành Thông tư 57/2015 hướng dẫn việc trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông đường bộ.
Theo đó, xe từ 4-9 chỗ ngồi phải trang bị một bình bột chữa cháy loại dưới 4 kg, hoặc bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, hoặc bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4 kg. Nếu không trang bị, tài xế sẽ bị phạt tiền 300.000-500.000 đồng.
Ngay thời điểm ban hành, Thông tư 57/2015 đã gây nhiều tranh cãi về tính khả thi cũng như hiệu quả trong việc PCCC khi bắt buộc xe dưới 9 chỗ ngồi cũng phải lắp bình cứu hỏa.
Đến tháng 4/2020, Bộ Công an lấy ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 57/2015. Bộ Công an đề xuất bãi bỏ quy định xe từ 4-9 chỗ ngồi phải trang bị bình chữa cháy.
Đến nay, Nghị định 136 đã được ban hành và sắp tới sẽ có hiệu lực. Dự kiến Bộ Công an cũng sẽ ban hành thông tư mới để phù hợp với các quy định tại nghị định này.