Đập phá, tạt sơn xe ô tô vì chặn trước cửa nhà sẽ bị phạt như thế nào?

Theo luật sư, đối tượng thực hiện hành vi tạt sơn lên xe người khác có thể phạm tội hình sự nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên
Đập phá, tạt sơn xe ô tô vì chặn trước cửa nhà sẽ bị phạt như thế nào?

Câu chuyện về việc đỗ xe trước cửa hàng hay cổng nhà người khác vẫn là câu chuyện thường gặp tại Việt Nam. Nhiều vụ việc đã xảy ra cự cãi và xịt sơn, vẽ bậy lên xe cũng từng xảy ra rất nhiều. Mới đây, trên mạng xã hội về ô tô lại xuất hiện thêm chiếc ô tô bị tạt lọ sơn màu đỏ trên nền xe màu trắng cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng người tạt sơn nên nhắc nhở chủ xe thay vì tạt sơn và hành động tạt sơn cũng vô tình phạm vào tội cố ý phá hoại tài sản. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây là chủ xe thiếu ý thức khi đỗ xe, thay vì để bị tạt sơn, chủ xe có thể để một mảnh giấy ghi lại số điện thoại để người bị vướng xe sẽ liên hệ khi cần.

Hành vi này là không thể chấp nhận được; và có thể làm căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật; hành vi tạt sơn, vẽ bậy lên ô tô người khác có thể bị đi tù 20 năm và bồi thường thiệt hại.

Đỗ xe sai quy định phạt bao nhiêu?

Căn cứ theo Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt 800.000 - 1.000.000 đồng nếu đỗ xe sai quy định: "Không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; Trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; Ở hè phố trái quy định của pháp luật; Nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng nếu đỗ xe tại vị trí: "Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ."

Tuy nhiên, pháp luật hiện không có chế tài xử phạt đối với việc đỗ xe chắn ngang nhà dân. Nên để xử lý tình huống bị ô tô chặn trước cửa nhà hoặc cửa hàng thì bạn nên bình tĩnh liên hệ với chủ xe để bảo họ rời xe đi chỗ khác. Nếu chủ xe không chịu đánh xe đi, cố tình để chỗ cũ thì bạn có thể nhờ công an đến xử lý. Đừng tạt sơn, cào xước, đập phá,... xe của họ vì như vậy sẽ là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hình sự. Mức phạt tù có thể lên đến 20 năm theo quy định cụ thể dưới đây.

Phá hoại ô tô, tạt sơn sẽ bị phạt như thế nào?

Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản":

- "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c, Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;".

- "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;"

"Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.