Trên thực tế, trường hợp này đã được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó chủ phương tiện được xác định vi phạm phải có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Do vậy, dù có điều khiển xe vi phạm hay không, chủ xe vẫn phải làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng. Khi làm việc với cơ quan chức năng, nếu chủ xe không chứng minh hoặc giải trình để xác định được người vi phạm sẽ phải nộp phạt thay.
Mức phạt trong trường hợp chủ xe là cá nhân sẽ bằng với quy định xử phạt của lỗi được phát hiện. Trong trường hợp chủ xe là tổ chức, mức phạt này sẽ bằng 2 lần mức xử phạt nhưng sẽ không quá mức phạt tối đa của lỗi đó.
Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người vi phạm nếu không nộp phạt nguội đúng hạn thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Trên thực tế, nếu người mượn xe không chịu nộp phạt nguội, chủ xe cũng có thể gặp phải rắc rối trong trường hợp phương tiện vi phạm. Bởi nếu quá hạn mà không nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định. Khi đó, chiếc xe này chỉ được đăng kiểm với thời hạn là 15 ngày theo quy định.
Vì vậy, để được đăng kiểm, chủ xe chỉ còn cách liên hệ người vi phạm nhanh chóng nộp phạt hoặc tự mình nộp thay để được giải quyết việc đăng kiểm. Do đó, để không rơi vào tình trạng này, chủ phương tiện cần hết sức lưu ý khi cho người khác mượn xe của mình.