Người điều khiển một số dòng xe máy phổ thông như Yamaha Exciter sẽ phải thi bằng A |
Theo đó, trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an chia GPLX thành 17 hạng thay vì 13 hạng như hiện nay. Nếu dự luật được thông qua thì các hạng GPLX mới bao gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
Đáng chú ý, một trong những đề xuất đang khiến khá nhiều người tham gia giao thông băn khoăn đó là việc thay đổi đối tượng sử dụng GPLX hạng A1.
Trước đó, GPLX hạng A1 được cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cc đến 175cc và người khuyết tật để điều khiển mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật
Tuy nhiên, trong đề xuất mới của Bộ Công an người được cấp GPLX hạng A1 chỉ được điều khiển các phương tiện mô tô, xe gắn máy từ 125cc trở xuống. Với các phương tiện mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh trên 125cc, người điều khiển phải thi bằng A.
Như vậy, nếu dự thảo trên được thông qua, người điều khiển một số dòng xe máy phổ thông như Honda Winner X, Honda Air Blade 150 hay Yamaha Exciter sẽ phải thi bằng A (có tác dụng tương tự bằng A2 cũ).
Bên cạnh việc sắp xếp, phân loại lại các hạng GPLX, Bộ Công an cũng đề xuất nhiều điểm mới về thời hạn của GPLX. Theo đó, GPLX hạng A0, A1, A, B1 không quy định thời hạn. GPLX hạng B2 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 60 tuổi; trường hợp người lái xe trên 60 tuổi thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
Đối với GPLX hạng B sẽ có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Các hạng GPLX còn lại có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.