Trong thời điểm hiện nay, với việc áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19, sẽ có rất nhiều khu vực người dân cần hạn chế di chuyển. Đi kèm với đó là hàng loạt các phương tiện sẽ không được sử dụng. Những việc dưới đây có thể giúp người dùng bảo quản xe của mình trong trạng thái tốt nhất:
Đỗ xe ở nơi có mái che hoặc phủ bạt
Nơi đỗ xe lâu dài rất quan trọng, nếu có một nơi đỗ xe trong hầm đạt các điều kiện an toàn, chủ xe sẽ không phải lo tình trạng mưa nắng gây hại đến lớp sơn, chi tiết nhựa, cao su của xe. Cũng không cần lo ngập khiến xe bị thuỷ kích.
Nhưng nếu không có hầm để đỗ xe, chủ xe nên chọn nơi đỗ xe có mái che hoặc phải phủ bạt cho chiếc xe của mình. Với bạt phủ xe, người dùng nên sử dụng các loại bạt phủ bạc một mặt để phản xạ tốt nhất mọi tia, ánh sáng từ mặt trời tới xe. Khi phủ bạt nên phủ kín cả bánh xe để tránh tia UV ảnh hưởng tới lốp.
Không sử dụng phanh tay
Không hạ phanh tay trong một thời gian dài sẽ khiến phanh bị kẹt.
Với một số xe cũ, sau một thời gian dài không sử dụng, kết hợp với độ ẩm, phanh của xe sẽ bị kẹt. Điều này khiến người dùng sẽ gặp khó khăn khi hạ phanh tay xuống. Trên thực tế nếu nơi đỗ xe bằng phẳng, chiếc xe không có nguy cơ bị ngoại lực tác động gây di chuyển, chủ xe chỉ cần sử dụng số P để giữ xe cố định. Trong trường hợp nơi đỗ dốc hãy thử dùng các cục chặn bánh xe hoặc kê gạch để xe không bị trôi.
Giữ cho lốp tốt nhất
Hầu hết các loại lốp xe đều sẽ bị giảm hơi sau một thời gian không di chuyển. Do vậy để tránh tình trạng này, chủ xe chỉ cần tiến xe lên hoặc lùi xuống một chút, miễn sao trọng lực của xe không bị dồn liên tục vào một điểm trên lốp. Người dùng nên kiểm tra lốp xe hằng tuần để đảm bảo tình trạng.
Một giải pháp tốn tiền hơn là sử dụng các bộ kích xe. Khi nâng cao cả xe lên, bánh xe sẽ không tiếp xúc mặt đường, và cũng sẽ không phải chịu bất kỳ áp lực nào tác động lên.
Để tránh bị hết điện ắc quy
Nhiều chiếc xe cũ hiện nay chỉ sau 5 ngày không sử dụng đã gặp tình trạng khó khởi động vì hết ắc quy. Cách giải quyết tình trạng này đơn giản nhất là chủ xe cách vài ngày nên nổ máy xe một lần. Hoặc cố gắng di chuyển một quãng đường dù rất ngắn cũng đủ để ắc quy tự xả xong lượng điện cũ và sạc.
Trong trường hợp không tiện khởi động xe, chủ xe nên chuẩn bị một bộ sạc cho ắc quy. Bộ sạc cho ắc quy ô tô trên thị trường có khá nhiều loại, nên chọn loại có chức năng tự ngắt hoặc sử dụng pin dự phòng có thể kích bình ắc quy.
Nhờ xe khác hỗ trợ là cách giải quyết hết cạn bình ắc quy đơn giản và rẻ nhất
Nếu xe đã hết điện trong bình, chủ xe cũng nên có một bộ dây câu điện để có thể dễ có thể nhờ các xe xung quanh hỗ trợ. Để câu điện từ xe khác, chủ xe cần cắm dây dương trên ắc quy xe mình vào đầu dương ắc quy xe hỗ trợ, dây âm nối vào điểm kim loại như khung xe.
Một cách khác để bảo quản bình ắc quy xe là tháo hẳn cực dương để xe không được đấu điện. Tuy nhiên cách này nên kiểm tra kỹ vì những xe hiện đại, mỗi khi đấu điện lại sẽ mất khá nhiều thời gian, thậm chí hệ thống giải trí của xe Ford sẽ yêu cầu mã để hoạt động trở lại.
Đổ xăng
Khi phải để xe không di chuyển lâu, nên đổ đầy xăng trước. Việc này hoàn toàn không gây nguy hiểm vì nếu bình xăng không bị rò, sẽ không có nguy cơ bắt lửa từ bên ngoài. Ngược lại đổ đầy xăng sẽ giúp hạn chế hơi nước bốc lên trong bình xăng.
Một số lưu ý khác
Các chi tiết như ống dẫn nước rửa kính, dây curoa cũng có thể bị lão hoá sau một thời gian không sử dụng. Nhưng thực tế độ bền của những chi tiết này vẫn đảm bảo nếu thời gian không sử dụng xe chỉ trong một tháng.
Chủ xe cũng nên kiểm tra xe mình có bị rò nhớt không. Cách kiểm tra rất đơn giản, chỉ cần đặt một tấm bìa xuống dưới gầm xe. Sau một thời gian đỗ xe kiểm tra tấm bìa nếu không thấy chất lỏng hay dầu nào bám ở mặt tấm bìa có nghĩa xe không bị rò.
Ngoài ra tại Việt Nam, rất nhiều ô tô bị chuột chui vào, phá hỏng một số hệ thống điện sau một thời gian không sử dụng. Có rất nhiều biện pháp chống chuột trên xe được các chủ xe chia sẻ nhưng bôi dầu gió vào các vị trí chuột chui vào, thậm chí bọc lưới hệ thống khí điều hoà. Do vậy hãy làm bất kỳ cách nào để đảm bảo xe của mình không bị chuột, hoặc côn trùng xâm nhập.