Bảo hiểm thân vỏ ô tô chỉ dùng năm đầu vì được tặng kèm - Quyết định của 'lái cứng'

Bảo hiểm thân vỏ là một trong những cách kích cầu của các đại lý/hãng xe, nhưng không phải ai cũng gia hạn trong năm thứ 2 vì những vấn đề liên quan tới chi phí hoặc cảm thấy không cần thiết.

Anh Nguyễn Minh Thành - chủ xe Ford EcoSport 2020 tại Hà Nội - vừa quyết định không gia hạn gói bảo hiểm thân vỏ sau một năm sử dụng xe. Bảo hiểm này trị giá gần 10 triệu đồng và được tặng kèm khi mua xe đúng 12 tháng trước đó. 

"Tôi cảm thấy mình lái đủ vững, không va quệt gì nên bảo hiểm là không cần thiết. Số tiền 10 triệu cũng khá lớn nên không mua nữa, để dành cho việc khác", anh Thành cho biết. 

Anh Thành không phải trường hợp hiếm có. Nhiều người cũng bỏ bảo hiểm với lý do tương tự. Tuy vậy, quyết định đồng hành với bảo hiểm thân vỏ - thứ không bắt buộc, khác với bảo hiểm trách nhiệm dân sự - hay không lại không trở thành mẫu số chung với tất cả tài xế. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những ưu/nhược điểm của bảo hiểm thân vỏ để quá trình "chăm vợ hai" của bạn trở nên "thuận buồm xuôi gió" hơn. 

Ưu điểm

Đối với những tài xế lần đầu mua xe hơi, kinh nghiệm lái xe còn non, bảo hiểm thân vỏ chính là thứ vô cùng hữu dụng bởi nếu chủ xe tự gây ra các hỏng hóc hoặc tổn thất đến chiếc xe, bên bảo hiểm sẽ hỗ trợ để khắc phục, sửa chữa theo các điều khoản trong hợp đồng. Tất nhiên, những đền bù do bảo hiểm chi trả bắt buộc phải do các lỗi do chủ xe tự gây nên, tức không phải do một chiếc xe khác tác động. 

Với nhiều tài non, bảo hiểm thân vỏ như một thứ tác động tích cực tới tâm lý khi lái xe của họ trên đường, đặc biệt ở những khu dễ ngập nước, đông đúc, chật hẹp dễ xảy ra những va quệt, hỏng hóc không đáng có. 

Bảo hiểm thân vỏ ô tô chỉ dùng năm đầu vì được tặng kèm - Quyết định của lái cứng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tệp khách hàng nên mua bảo hiểm thân vỏ không chỉ gói gọn ở tài non. Những "tài cứng" dư giả tài chính vẫn nên mua gói bảo hiểm thân vỏ bởi hiện nay những vụ vặt trộm gương, tháo bánh xe,... vẫn còn khá nhiều. Việc có gói bảo hiểm vẫn sẽ mang tới cho chủ xe sự an tâm hơn thay vì đi đâu cũng lo rằng sẽ bị tháo đồ bởi những chi tiết đó khi thay mới sẽ tiêu tốn số tiền lên tới hàng chục triệu đồng. 

Những khách hàng không thường xuyên sử dụng xe cũng có thể chọn đồng hành với bảo hiểm thân vỏ. Tuy nhiên, để tối ưu chi phí thì chủ xe có thể tìm hiểu những gói bảo hiểm giá thấp hơn nhưng vẫn phù hợp với nhu cầu sử dụng để hạn chế việc phải chịu một mình chi phí sửa chữa. 

Ngoài hai tệp người sử dụng là thường xuyên sử dụng xe đi phố và cất xe ở nhà, những ai thường xuyên mang "xế cưng" đi xa, đi địa hình xấu cũng nên cân nhắc việc mua bảo hiểm thân vỏ bởi có những tác động của môi trường lên xe hơi của bạn mà bạn sẽ không thể lường trước được. 

Nhược điểm

Dù có "sức mạnh" lớn về mặt bồi thường như trên nhưng bản chất của bảo hiểm thân vỏ cũng cần được hiểu kỹ. 

Cụ thể, phần chi phí bảo hiểm thân vỏ của xe hơi được tính theo gói bảo hiểm mà mỗi chủ xe lựa chọn. Ngoài ra, các yếu tố khác bao gồm đời xe, giá bán niêm niêm yết của xe, tỷ lệ bồi thường cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới số tiền mà mỗi chủ xe phải trả cho gói bảo hiểm thân vỏ mỗi năm. Chính vì vậy, không ít chủ xe sau khi mua gói bảo hiểm thân vỏ xe năm đầu đã quyết định không gia hạn cho những năm tiếp theo vì mức giá khá cao.

"Một năm khi di chuyển nội đô, tôi gần như chả gặp những vấn đề liên quan đến va quệt hay bị vặt trộm nên thấy bỏ ra gần 10 triệu xong để đấy khá lãng phí. Nếu chiếc xe của tôi có gặp những vết xước nhỏ thì số tiền tôi tự bỏ ra để đi "làm mới" lại còn rẻ hơn chi phí mua bảo hiểm thân vỏ một năm. Chưa kể đến, kinh nghiệm lái xe của bản thân cũng đã vững vàng hơn nên không quá lo việc xước xát. Vì vậy, tôi càng thấy việc mua bảo hiểm là không quá cần thiết", anh Thành chia sẻ.

Bảo hiểm thân vỏ ô tô chỉ dùng năm đầu vì được tặng kèm - Quyết định của lái cứng - Ảnh 3.

Một điểm khác cũng cần được hiểu kỹ là mỗi khi mang xe đi bảo hiểm, chủ xe sẽ phải chi thêm một số tiền được gọi là phí miễn thường. Số tiền này đôi khi sẽ ngang ngửa với chi phí mà tự chủ xe mang đi sửa chữa ở ngoài. 

Chưa hết, việc giám định và sửa chữa theo bảo hiểm cũng được đánh giá là tốn thêm một khoảng thời gian. 

Chính vì thế, việc gia hạn bảo hiểm thân vỏ hay không sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng tài chính cũng như trình độ lái xe của bạn. Bảo hiểm thân vỏ được ví như một "bùa hộ mệnh" nhưng nó sẽ chỉ hợp lý khi dùng đúng người, đúng mục đích, nếu không sẽ tạo ra những áp lực khác khiến quá trình "chăm vợ hai" trở nên mệt mỏi hơn. 

Chúc bạn đưa ra quyết định đúng và chọn được đúng hãng bảo hiểm và gói bảo hiểm phù hợp với bản thân.