Trong khi thị trường xe đạp bình dân trầm lắng thì phân khúc xe đạp thể thao ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Có những mẫu xe đạp giá bán ngang với một chiếc ô tô.
Ngày bán vài chục chiếc là thường
Cửa hàng xe đạp trên phố Bà Triệu (Hà Nội) luôn tấp nập người đến xem hàng ảnh: Tứ Đức
Những năm gần đây khi đời sống người dân được nâng lên cùng với ý thức rèn luyện nâng cao sức khỏe, nhu cầu sử dụng xe đạp tại Việt Nam tăng mạnh. Trong đó phân khúc được người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất là xe đạp thể thao.
Chị Ngọc Quyền (27 tuổi, chủ cửa hàng kinh doanh xe đạp ở quận 7, TP.HCM) cho biết, phong trào đạp xe phát triển mạnh nhất từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022. Thị trường bùng nổ khiến nhiều người đang kinh doanh những mặt hàng khác cũng chuyển sang kinh doanh xe đạp.
“Vào những tháng cao điểm nhất của năm nay, lượng khách liên hệ mua xe tăng gấp đôi so với năm trước. Doanh số và doanh thu của cửa hàng cũng tăng khoảng 20%”, anh Tuệ Nam, chủ cửa hàng xe đạp trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết.
Theo quan sát của PV tại phố Bà Triệu (Hà Nội), nhiều cửa hàng bán xe đạp luôn tấp nập khách ra vào. Một chủ cửa hàng cho biết, có ngày bán được 70 chiếc xe đạp. “Thị trường xe đạp đang trên đà tăng mạnh bởi người dân ngày càng có xu hướng sử dụng phương tiện giao thông không gây hại môi trường và chọn xe đạp làm phương tiện đi lại để rèn luyện thể thao, tăng cường sức khỏe”.
Chủ một cửa hàng xe đạp trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, ngay sau khi hết giãn cách vì Covid-19, có những ngày cao điểm, doanh thu cửa hàng lên tới cả trăm triệu đồng.
Ngoài việc mua, bán và sửa chữa, các cửa hàng bán phụ kiện, cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp cũng xuất hiện nhiều hơn.
Không chỉ đa dạng về chủng loại, thị trường xe đạp Việt Nam hiện nay ghi nhận sự góp mặt của hầu hết các thương hiệu xe đạp nổi tiếng thế giới. Ngoài xe nội như Thống Nhất, Vinbike không khó để tìm mua những dòng xe ngoại như Trek, Marin, Surly, Specialized (Mỹ), Giant, Asama (Đài Loan), Pinarello (Italy), Canyon, Porsche (Đức)…
Các dòng xe đạp phổ biến ở Việt Nam hiện tại gồm có xe MTB dùng để leo núi, đi địa hình xấu; xe road (còn gọi là xe đua, xe cuộc) chuyên dùng chạy tốc độ cao trên đường đẹp, bằng phẳng; xe touring với khả năng chở nhiều đồ phục vụ đi đường dài và xe hybrid kết hợp đặc điểm của những dòng xe kể trên.
Ngoài ra còn nhiều loại xe đạp để phục vụ những mục đích đặc thù hơn như: Xe đạp biểu diễn (BMX), xe đạp triathlon (dùng cho các cuộc thi 3 môn phối hợp), xe đạp chuyên đổ đèo, xe đạp có thể gấp gọn…
Theo chị Ngọc Quyền, các mẫu xe đạp MTB, road được xếp vào phân khúc phổ thông hiện nay có giá từ 10 - 30 triệu đồng. Giá những dòng cao cấp khoảng từ 40 triệu đồng lên đến gần gần 300 triệu đồng, tương đương với một chiếc ô tô hạng A.
Sở dĩ nhiều chiếc xe đạp có giá bán đắt đỏ vì chất liệu của khung sườn thường được làm bằng sợi carbon và được lắp thêm các loại phụ tùng đắt tiền.
Có những chiếc xe chỉ riêng khung sườn do Mỹ hay Ý sản xuất đã có giá 5.000 USD chưa kể các loại phụ tùng tính sơ sơ cũng có giá ngang với chiếc xe như: Đồng hồ thông minh đo tốc độ, khoảng cách và lượng calo mà người đạp xe tiêu tốn hay các loại quần áo chuyên dụng, kính mát, mũ bảo hiểm, bộ vá lốp, bơm tay…
Chơi xe đẹp cũng cần sức khỏe
Nhiều thương hiệu xe đạp nổi tiếng thế giới được bày bán tại Việt Nam
Hầu hết những người mua xe đắt tiền là dân chơi xe đạp, thích chơi hàng độc để thỏa mãn đam mê. Nhưng đa số mua xe đạp thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Anh Nguyễn Huế (ngụ quận 2, TP.HCM) cho biết, bắt đầu đạp xe thường xuyên từ sau đợt giãn cách xã hội năm 2020 đến nay. Với anh Huế, sức khỏe cải thiện là lợi ích lớn nhất mà việc đạp xe mang lại.
“Hiện tại, các ngày trong tuần, mỗi sáng trước khi đi làm tôi dành 60 phút để đạp xe khoảng 20km, nếu tối không mưa sẽ đạp thêm 20km. Cuối tuần, nhóm chúng tôi thường đạp xe với quãng đường 100km tới các khu vực ngoại ô”, anh Huế chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Huế và nhiều thành viên cùng nhóm cũng chọn xe đạp là phương tiện chính khi đi tham quan, du lịch. Ô tô chỉ đóng vai trò vận chuyển người và xe giữa các tỉnh, thành phố cách xa nhau.
Anh Huế cho biết, ưu điểm của đạp xe du lịch là sẽ có nhiều thời gian hơn để thư giãn, nhìn ngắm cảnh quan thay vì luôn phải tập trung cao độ như khi cầm lái ô tô, xe máy.
Không chỉ bán xe, dịch vụ cung cấp phụ tùng cho xe đạp cũng sôi động
Anh Chí Thành (42 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) hiện sử dụng xe đạp để đi làm với quãng đường hơn 15km mỗi ngày. Với anh Thành, ngoài cải thiện thể chất, đạp xe cũng là một cách để rèn luyện sự quyết tâm và tính kỷ luật của bản thân.
“Khi chuyển từ xe máy sang xe đạp, thời gian đi từ nhà đến nơi làm việc gần như bằng nhau do giao thông trong thành phố đông đúc, tốc độ di chuyển trung bình của hai loại phương tiện này không chênh lệch nhiều”, anh Thành tâm sự.
Một bất cập với những người mua xe đạp thể thao đắt tiền là không có nhiều cửa hàng sửa chữa. Trao đổi với PV, anh Chí Thành cho biết, nếu dùng đi làm hàng ngày cần biết những kỹ năng sửa xe cơ bản và mang theo bộ dụng cụ. Nếu xe đắt tiền phải thay linh kiện cần liên lạc với cửa hàng bán xe, họ sẽ nhận đặt hàng linh kiện từ nước ngoài về.
“Không phải ai cũng theo đuổi được đam mê đạp xe lâu dài bởi trước tiên cần có ý thức cao về sức khỏe bản thân và đủ đam mê để vượt qua tâm lý ngại nắng, mưa, mệt nhọc…”.
Theo một nghiên cứu của SSI Research (Trung tâm phân tích của Chứng khoán SSI), nhu cầu xe đạp tại Việt Nam đang ở mức 2,5 triệu chiếc/năm. Với giá bán trung bình từ 2 - 2,5 triệu đồng/chiếc, tổng quy mô của thị trường này rơi vào khoảng 5.000 - 6.000 tỷ/năm. Nhận thấy tiềm năng của thị trường xe đạp, một số cửa hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị lớn cũng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh này. |