Theo đó, rất nhiều chi tiết quan trọng cấu thành nên chiếc ô tô điện đang được sản xuất ngay tại nhà máy ở Hải Phòng, tỷ lệ nội địa hóa hiện tại đã đạt hơn 60%.
VinFast dành ra hơn 30% diện tích của khu tổ hợp nhà máy để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.
Hiện trong nhà máy VinFast có các xưởng: dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc…
Các chuyên gia nhận định, đến năm 2026, tỷ lệ nội địa hóa của VinFast có thể sẽ đạt 84% đúng như hãng công bố.
Được biết, VinFast đã xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa từ hơn 60% hiện nay lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như: ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương…Đặc biệt, VinFast còn đang có kế hoạch sản xuất pin xe điện để nâng cao mức độ nội địa hóa.
Thời gian tới, VinFast sẽ triển khai một loạt các giải pháp cụ thể. Thứ nhất là phối hợp với các đối tác có sẵn, tận dụng mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ có sẵn để tối ưu hóa nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thứ hai là tiến hành hợp tác chuyển giao công nghệ với mục tiêu đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa.
Thứ ba là hãng xe Việt Nam sẽ kêu gọi đầu tư, hợp tác cùng phát triển, tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ.
GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội,cho rằng, VinFast đang thể hiện vai trò tiên phong, vai trò sếu đầu đàn trong không chỉ sản xuất mà còn xây dựng chuỗi cung ứng nội địa. Sự có mặt nhiều nhà cung cấp cho thấy điều đó. Lộ trình nội địa hóa là bước tiến chiến lược không chỉ cho VinFast mà còn cho ngành ô tô.
TH (Tuoitrethudo)