Từ 1/1/2025, học sinh THPT sẽ được học lái xe máy tại trường

Theo quy định mới từ 01/01/2025, học sinh THPT sẽ được hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.

Cụ thể, trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non sẽ được học những nội dung liên quan đến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như: nhận biết loại phương tiện giao thông đường bộ; nhận biết đèn tín hiệu giao thông, một số biển báo hiệu đường bộ thường gặp; an toàn khi đi bộ, trên các phương tiện giao thông đường bộ; biết đội mũ bảo hiểm đúng cách; nơi vui chơi an toàn; những nguy hiểm, hậu quả khi không tuân thủ quy định an toàn giao thông đường bộ.

Các học sinh cấp tiểu học sẽ được dạy các kiến thức: nhận biết hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông; biển báo hiệu đường bộ thường gặp; một số quy tắc giao thông đường bộ thường gặp; nhận biết được sự cần thiết phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ; đi qua đường bộ an toàn; chọn và đội mũ bảo hiểm đúng cách; lên, xuống xe đạp, xe gắn máy, xe mô tô an toàn; làm quen với xe đạp và cách điều khiển xe đạp an toàn; một số kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ.

Học sinh trung học cơ sở sẽ học: quy tắc giao thông đường bộ; nhận biết và chấp hành báo hiệu đường bộ; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách; an toàn khi ngồi trên xe cơ giới; cách điều khiển xe đạp, xe đạp điện an toàn; phòng ngừa rủi ro, hậu quả của tai nạn giao thông và xử lý sự cố giao thông.

Học sinh trung học phổ thông, học sinh cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ học: quy tắc giao thông đường bộ; báo hiệu đường bộ; tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới; dự đoán và phòng tránh nguy hiểm; cách lái xe gắn máy an toàn.

Riêng học sinh trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn bao gồm các nội dung: Phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe; Cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp bảo dưỡng xe, kiểm tra xe an toàn; Văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới; cứu giúp người bị tai nạn giao thông; Cách khời động và tắt máy, cách sử dụng ga, phanh, thay đổi số, sử dụng các thiết bị bảo hộ.

Các học sinh sẽ được hướng dẫn thực hành: Tư thế lên ngồi lái xe, xuống xe an toàn; Khởi hành, điều chỉnh tốc độ phù hop, dừng xe an toàn; Lái xe theo 4 hình mẫu bao gồm: đi qua hình số 8, đi qua vạch đường thẳng, đi qua đường có vạch cân, đi qua đường gồ ghề.

Thời gian hướng dẫn và đánh giá kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát giao thông trực tiếp thực hiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại cơ sở giáo dục.

Để thực hiện những nội dung này, Bộ GDĐT chủ trì, chỉ đạo cơ quan quản lý trường THPT chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn. 

Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng chương trình giảng dạy kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với từng cấp học; Xây dựng tài liệu, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS; Xây dựng môn học kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo nội dung kiến thức quy định.

TH (Tuoitrethudo)

Ảnh minh họa