(Nguồn video: Business Insider)
Được thiết kế bởi kỹ sư Corradino D'Ascanio, chiếc Vespa đầu tiên (và hầu hết các dòng sau này) có phần đầu nhỏ nhưng đuôi nở rộng, nên ngay từ khi lần đầu chiêm ngưỡng, Enrico Piaggio (ông chủ của Piaggio khi đó) đã đặt tên cho chiếc xe này là Vespa - trong tiếng Ý có nghĩ là ong bắp cày.
Xuất xưởng lần đầu vào năm 1946 (sau chiến tranh thế giới thứ II), Vespa là dòng sản phẩm mà Piaggio hướng tới cho nhu cầu phương tiện di chuyển cá nhân. Với giá bán 245 USD vào thời đó, Vespa khá cạnh tranh với các dòng xe khác trên thị trường, và đã có 2500 chiếc được bán ra trong năm 1947. Chỉ 3 năm sau đó, vào năm 1950, Vespa đã bán được hơn 60,000 chiếc - tăng gấp 20 lần so với năm 1947.
Hiện nay, Vespa trở thành một trong những mẫu tay ga hạng sang được ưa chuộng hàng đầu trên thế giới. Trong hơn 10 năm qua (tính từ năm 2010 cho tới năm 2019), đã có hơn 1.6 triệu chiếc Vespa các loại được bán ra trên toàn thế giới, và nó không chỉ đơn thuần là một chiếc xe ga, nó còn là biểu tượng cho nước Ý lãng mạn.
Khác biệt với các dòng xe ga khác trên thế giới, toàn bộ hệ thống dàn áo của Vespa được làm bằng thép, khiến nó có được độ bền bỉ tốt đặc biệt là khả năng giữ màu sơn. Quy trình đóng khung, hàn của dàn áo Vespa được tự động hóa hoàn toàn bằng robot, tuy nhiên giai đoạn hoàn thiện cuối sẽ được kiểm tra bằng những thợ lành nghề.
Quy trình sơn dàn áo Vespa cũng là tinh hoa trên dòng xe này khi nó trải qua 3 giai đoạn với 3 lớp sơn khác nhau. Toàn bộ quy trình sơn cũng được thực hiện hoàn toàn bằng robot, và kết thúc bằng việc được "nung" ở nhiệt độ 85 độ C trong vòng 45 phút.
Tiếp đó, tùy dòng xe mà quy trình lắp ráp sẽ được tiến hành theo các dây chuyền khác nhau, có tổng cộng 6 dây chuyền khác nhau. Khung xe và các bộ phận được tiến hành lắp ráp bởi các công nhân lành nghề (với sự hỗ trợ của máy móc), và ước tính chỉ mất hơn 3 phút để hoàn thiện quy trình lắp ráp cuối cùng này.
Sau cùng, mỗi chiếc Vespa sẽ được trải qua giai đoạn thử nghiệm nghiêm ngặt trước khi được xuất xưởng. Ngoài nhà máy chính tại Pontedera, Pisa, Ý thì Việt Nam là nơi được Piaggio đặt dây chuyền sản xuất Vespa để phục vụ cho các thị trường châu Á.
Nguồn: http://danviet.vn/video-dot-nhap-day-chuyen-lap-rap-vespa-5020211177582176.htmNguồn: http://danviet.vn/video-dot-nhap-day-chuyen-lap-rap-vespa-5020211177582176.htm