Toyota Việt Nam liên tiếp phải triệu hồi xe ô tô do lỗi

Từ đầu năm đến nay không ít những mẫu xe hot của nhiều hãng lớn dính án triệu hồi. Tuy nhiên, đối với Toyota thì đây là một con số kỷ lục chưa từng có trong ngành công nghiệp ô tô.
toyota viet nam lien tiep dinh an trieu hoi
 

Ngay từ đầu năm 2020 nhiều thông báo triệu hồi xe đã được phát đi từ các hãng xe lớn trên toàn thế giới… Trong đó, hãng xe có nhiều mẫu xe bị lỗi nhất phải kể đến Toyota. Tính đến nay, phải có 2 lần triệu hồi trên thế giới và chục lần triệu hồi tại Việt Nam liên quan đến các lỗi khá nghiêm trọng như túi khí không bung, lỗi bơm nhiên liệu, đai an toàn…

Cụ thể, ngày 19/1, Toyota chính thức phát thông báo đang triệu hồi 696.000 xe hơi, crossover và SUV, bao gồm nhiều mẫu xe khác nhau của Lexus. Những chiếc xe này có nguy cơ gặp phải lỗi máy bơm nhiên liệu ngừng hoạt động khiến phương tiện dừng đột ngột và không thể khởi động lại.

Sau đó chỉ 2 ngày, ngày 21/1, Toyota tiếp tục gây bất ngờ khi phát thông báo sẽ thu hồi 3,4 triệu xe bị lỗi không bung túi khí trong trường hợp xảy ra tai nạn. Lỗi này liên quan đến bộ điều khiển túi khí được lắp trên xe.

Đợt triệu hồi thứ 3 của Toyota bắt đầu từ ngày 12/2 với thông báo  triệu hồi đối với 24 chiếc mẫu xe hạng sang Toyota Alphard tại thị trường Việt Nam do liên quan tới lỗi dây đai an toàn.

Bên cạnh đó, trong tháng 2/2020, thương hiệu hạng sang Lexus trực thuộc Toyota Việt Nam cũng mở chương trình triệu hồi 300 chiếc RX350 để cập nhật phần mềm ECM và thay thế hộp số.

Nối gót Alphard, Toyota Việt Nam cũng ra thông báo triệu hồi bán tải Toyota Hilux để thay thế ống kẹp và ống nhiên liệu bị lỗi. Số lượng xe bị triệu hồi là 32 chiếc, có thời gian sản xuất từ ngày 10/4/2019 đến ngày 3/5/2019.

Chưa dừng lại, những ngày cuối cùng tháng 2, liên doanh ô tô Nhật Bản tiếp tục triệu hồi 1.561 chiếc Toyota Vios và Corolla Altis, hai mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường, để thay thế cụm bơm khí túi khí hành khách phía trước.

Đến tháng 5/2020, Toyota Việt Nam triệu hồi 3.763 chiếc Lexus, Land Cruiser 200, Alphard và Fortuner để tiến hành thay thế bơm nhiên liệu lỗi, là nguyên nhân khiến xe bị ngừng hoạt động đột ngột trong quá trình vận hành.

Cũng trong tháng này, gần 30.000 chiếc Toyota Camry, Corolla Altis và Innova sản xuất, lắp ráp trong nước, cùng bị đưa vào danh sách triệu hồi để khắc phục lỗi bộ phận bơm nhiên liệu.

Tháng 8/2020, Toyota Việt Nam cùng lúc phát đi 2 thông báo triệu hồi để khắc phục lỗi nguy hiểm trên các mẫu xe ăn khách của hãng gồm Innova, Fortuner, Vios và Corolla Altis.

Cụ thể, đợt triệu hồi đầu liên quan tới 721 xe Toyota Innova và Fortuner liên quan tới lỗi bu lông không được siết chặt. Các mẫu xe này được lắp ráp trong nước có thời gian sản xuất từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2020.

Số lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất trong tháng 8/2020 là gần 2.700 xe gồm Toyota Vios và Corolla Altis liên quan tới túi khí an toàn trên ghế hành khách trước.

Trước khi kết thúc tháng 8/2020, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã phê chuẩn cho liên doanh ô tô Việt Nam thực hiện 3 chương trình triệu hồi xe để khắc phục lỗi kỹ thuật từ khâu sản xuất. Một trong số đó là chương trình triệu hồi 190 chiếc Fortuner để thay thế ống chân không bầu trợ lực phanh. Bên cạnh đó, 749 xe Lexus GS, LX, NX và RX cũng bị đưa vào danh sách triệu hồi để thay thế bơm nhiên liệu.

Bước sang tháng 9, Toyota tiếp tục có đợt triệu hồi ảnh hưởng tới 36 xe Toyota Alphard, 490 xe Toyota Land Cruiser 200 và 2.488 xe Fortuner. Số lượng xe bị triệu hồi có thời gian sản xuất từ năm 2013 đến 2018 để sửa chữa hệ thống phanh của sản phẩm.

Như vậy, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, các dòng sản phẩm do Toyota Việt Nam sản xuất, nhập khẩu và phân phối liên tục bị phát hiện có khiếm khuyết từ khâu sản xuất. Bởi vậy, liên doanh ô tô Nhật Bản phải đối mặt với một chuỗi dài các đợt triệu hồi với hầu hết các mẫu xe đang bán trên thị trường từ bình dân đến cao cấp liên quan tới nhiều lỗi nguy hiểm.

Việc một hãng xe phải thực hiện nhiều chương trình triệu hồi trong một thời gian ngắn như Toyota, là điều bất thường và chưa từng diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà cả trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.