Xe đạp là gì? Xe đạp máy là gì?
Xe đạp là một phương tiện giao thông cá nhân được sử dụng bằng cách sử dụng sức người để đẩy hoặc vận hành. Nó thường gồm có một khung, hai bánh xe, một hệ thống truyền động và một hệ thống phanh. Người điều khiển xe đạp thường ngồi trên yên và sử dụng chân để đẩy hoặc đạp bánh xe.
Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện). Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Quy định pháp luật về tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp máy từ 1/1/2025
Theo Điều 31, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có quy định:
- Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 07 tuổi thì được chở tối đa hai người.
- Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy không được thực hiện các hành vi quy định tại Khoản 3 Điều 33 của Luật này; người được chở trên xe đạp, xe đạp máy khi tham gia giao thông đường bộ không được thực hiện các hành vi quy định tại Khoản 4 Điều 33 của Luật này.
- Người điều khiển, người được chở trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cài quai đúng quy cách.
- Người điều khiển xe thô sơ chỉ được cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi tham gia giao thông đường bộ trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau phải sử dụng đèn hoặc có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe.
- Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Hàng hóa xếp trên xe không vượt quá 1/3 chiều dài thân xe và không vượt quá 01 mét phía trước và phía sau xe; không vượt quá 0,4 mét mỗi bên bánh xe.
Từ 1/1/2025 tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện được áp dụng theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ảnh minh họa: C.C
Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Đi xe dàn hàng ngang.
- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác.
- Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).
- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác hoặc vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh.
- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
- Thực hiện các hành vi khác gây mất trật tự và an toàn giao thông.
Đối với người ngồi sau trên xe đạp, xe đạp điện cũng không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Mang, vác vật cồng kềnh.
- Sử dụng ô.
- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác.
- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái.
- Thực hiện các hành vi khác gây mất trật tự và an toàn giao thông.
Các mức xử phạt dành cho người điều khiển xe đạp, xe đạp máy
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạ khi điều khiển xe đạp, xe đạp máy được quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm k Khoản 34 Điều 2 và Điểm c Khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp, xe đạp máy;
- Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
- Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
- Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên;
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường;
- Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô;
- Đi vào khu vực cấm; đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều";
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Chở hàng cồng kềnh bằng xe đạp có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: TL
Điều khiển xe đạp, xe đạp máy vi phạm giao thông có bị tịch thu xe không?
Hình phạt tịch thu phương tiện được quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
"Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
- Người điều khiển xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
- Chở người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện".
Theo quy định nêu trên, ngoài việc bị phạt tiền, nếu người điều khiển tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu xe.