Thị trường ô tô 'tê liệt', giá nhiều xe 'hot' chạm đáy

Trong bối cảnh ảm đạm bởi dịch Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khiến doanh số bán ô tô từ đầu năm đến nay suy giảm thảm hại, nhiều loại xe "hot" đã phải giảm giá mạnh để kích cầu.
thi truong o to te liet gia nhieu xe hot cham day
 

Doanh số giảm mạnh, thị trường ô tô “khủng hoảng”

Trong năm 2019, làn sóng ô tô nhập khẩu ồ ạt tràn về, nhiều mẫu mã mới ra mắt kết hợp việc thay đổi lệ phí trước bạ xe bán tải và cuộc đua giảm giá bán... khiến doanh số bán ô tô qua mỗi tháng liên tục biến động. Chưa kịp chạy đà cho tham vọng “bứt phá” sau những thành quả đạt được, ngành ô tô Việt Nam bất ngờ hứng chịu “cú sốc” lớn từ đại dịch Covid-19.

Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 2.2020 giảm 27% so với cùng kì năm 2019. Nguyên nhân chính phải kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến khách hàng không còn mặn mà với việc đến đại lý sắm ô tô bất chấp các nhà sản xuất vẫn nỗ lực tung ra sản phẩm mới.

Sang tháng 3, tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan. doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19.154 xe, giảm 41% so với tháng 3/2019. Đây là nguyên nhân chính khiến đại diện VAMA phải “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ ban ngành. Đề xuất Chính phủ cân nhắc phương án giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và giảm 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng 4/2020 thị trưởng xe suy giảm doanh số 39% so với tháng trước, đồng thời giảm 44% so với cùng kỳ năm trước, đây được xem là mức giảm chưa từng xảy ra trên thị trường xe.

“Liều thuốc” giảm giá xe lần lượt được các nhà sản xuất, đại lý ô tô mạnh tay áp dụng với mức giảm kỷ lục lên tới 300 triệu đồng,  nhưng xem ra vẫn không đủ sức để vực dậy sức mua của thị trường. Doanh số bán hàng  toàn thị trường trong tháng 4, chỉ đạt trên 11.700 xe, giảm 7.400 chiếc so với tháng trước.

Dự đoán, trong tháng 5 với những tín hiệu đáng mừng của đề xuất giảm 50% phí trước bạ, có thể thị trường ô tô sẽ có thể dần hồi phục trong thời gian tới.

Đại lý giảm ồ ạt, giá nhiều xe "Top" chạm đáy

Nhiều hãng xe như Kia, Mazda, Honda… đã đưa ra những “liều thuốc” để kích cầu như giảm giá “chạm đáy” một số dòng xe điển hình như Mazda CX-8 Premium AWD giảm từ 1,399 tỷ đồng xuống còn 1,249 tỷ đồng; Kia Moning Luxury giảm 13 triệu đồng, còn 380 triệu đồng, hoặc Mazda 3 bản 1.5 Deluxe giảm 30 triệu đồng, chỉ còn 689 triệu đồng…

Bên cạnh đó, khách hàng còn được tặng phim cách nhiệt, trải sàn, túi cứu hộ, tặng bảo hiểm thân vỏ. Nhiều đại lý mở các chương trình quảng cáo khuyến mại hấp dẫn cho khách hàng như giảm giá xe trực tiếp; hỗ trợ làm thủ tục vay ngân hàng; mua trả góp tới 80% giá trị xe; làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra xe miễn phí… nhưng lượng xe bán ra vẫn rơi vào trạng thái “hãm phanh”.

Trong tháng 5, nhiều hãng và nhà phân phối ô tô tại Việt Nam tiếp tục đưa ra thêm các chương trình ưu đãi mới. Hầu hết thương hiệu phổ thông đều có xe giảm giá, như Toyota, Honda, Mazda, Nissan, Mitsubishi, Hyundai, Ford…Ngoài việc trừ tiền mặt, các hãng và đại lý còn tặng thêm phụ kiện cho người mua xe.

Cụ thể, các mẫu xe khác như Mitsubishi Xpander có mức giảm lên tới 65 triệu đồng so với niêm yết; Mazda3 được ưu đãi lên tới 60 triệu đồng và 25 triệu tiền phụ kiện hay Hyundai Kona 2020 giảm giá từ 25 – 32 triệu đồng, kèm theo gói khuyến mãi phụ kiện….

Đơn cử như mới nhất, mẫu xe SUV Ford Explorer 2019 tiếp tục được các đại lý ưu đãi 60-70 triệu đồng tiền mặt kèm tặng gói phụ kiện trị giá 20 triệu đồng.

Như vậy, sau nhiều đợt giảm giá trong những tháng vừa qua, mẫu SUV cao cấp này đang dần “rớt giá” từ giá niêm yết hãng 2,268 tỷ đồng xuống 1,999 tỷ đồng hồi cuối tháng 2 và nay chỉ còn mức khoảng 1,9 tỷ đồng gây sốc.

Đặc biệt, đối với các đại lý ô tô cũ cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh, giành khách của các đại lý xe mới hay xu hướng xe mới giảm giá khiến nhiều mẫu xe cũ không thể bán được hàng, nguy cơ phá sản, giải thể ngày càng cao.

Thị trường xe nhập khẩu giảm mạnh

Theo thống kể của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2020, lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong đó, xe nhập từ Thái Lan, Indonesia giảm từ 40-80% so với tháng trước.

Cụ thể, tổng lượng xe nhập khẩu trong tháng 4/2020 chỉ đạt gần 4.900 chiếc, giảm hơn 7.500 chiếc so với tháng trước, tương ứng giảm hơn 54,5%. So với cùng kỳ tháng 4 năm trước, lượng xe nhập tháng này ghi nhận giảm 5.300 chiếc, tương ứng giảm 49%.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam dự báo lượng xe nhập trong các tháng 5 và 6/2020 có thể sẽ còn giảm mạnh bởi đơn hàng nhập xe hơi sẽ phải ký kết trước 2-3 tháng thực hiện. Chính vì vậy, tác động của dịch Covid-19 sẽ ngày càng rõ nét lên thị trường xe hơi trong thời gian tới đây. Rất có thể, một số dòng xe sẽ tăng giá do chi phí phát sinh không mong muốn.

Chờ chính phủ Quốc hội có “quyết định” cuối cùng.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 giảm thuế đối với linh kiện xe ô tô. Đây có thể là hy vọng cho ngành ô tô trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 về biểu thuế nhập khẩu, thuế ưu đãi cho các loại hàng hóa, trong đó có linh kiện ô tô có nhiều ràng buộc quan trọng.

Đồng thời, với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu, dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 đặt yêu cầu sản lượng chung tối thiểu cho các doanh nghiệp xe, sản lượng riêng tối thiểu cho các mẫu xe được sản xuất, lắp ráp trong nước khi họ được hưởng các ưu đãi thuế nêu trên. Nếu được như vậy chi phí sản xuất xe rẻ đi, lợi thế quy mô tăng lên, khiến cho các dòng xe lắp ráp trong nước sẽ cạnh tranh hơn, giá cả hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, ngày 17/5 Văn phòng Chính phủ có thông báo số 185/TB-VPCP cho biết thông tin: “Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và ý kiến của các Phó Thủ tướng, đại biểu dự họp, Thủ tướng đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước”. Đây được cho là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp ô tô và cũng mang đến cơ hội mua xe giá rẻ cho khách hàng.

Tuy nhiên, chiều ngày 20/5 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: “Thủ tướng mới đồng ý về chủ trương để trình sang Quốc hội, đây mới chỉ là thống nhất chủ trương, còn thẩm quyền quyết định là Quốc hội. Quốc hội sẽ quyết định chứ không phải Chính phủ”.

Theo quy trình, nếu Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính phải xây dựng Tờ trình sang Quốc hội. Ngoài ra, nếu quyết định trên được chấp thuận, Và có khả năng Tờ trình này sẽ được gửi tới Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Nếu lệ phí trước bạ giảm 50%  dành cho xe lắp ráp trong nước được thông qua , sẽ tạo ra lợi thế trước xe nhập khẩu nguyên chiếc. Vì thế, xe nhập khẩu có thể sẽ tiếp tục giảm giá để cạnh tranh và khách hàng có thể thấy một cuộc ‘chạy đua’ về giá chưa từng có.