TGĐ bị bắt, hàng ngàn xe tồn kho phơi mưa nắng, doanh nghiệp ô tô lớn nhất sàn chứng khoán làm ăn ra sao?

Ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM, bị bắt về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo thông tin từ Tổng công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), ngày 10/6 VEAM nhận được thông báo số 8181/CV - CSKT của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội. Theo đó, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ông Phan Phạm Hà, sinh năm 1975, quê Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông Hà có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Trước năm 2019, ông Hà từng là đại diện phần vốn Nhà nước, thành viên HĐQT tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - MIE ( thuộc Bộ Công Thương), Tổng giám đốc công ty Cơ khí Hà Nội - HAMECO (đơn vị trực thuộc MIE).

Giữa năm 2020, ông Phan Phạm Hà được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VEAM.

TGĐ bị bắt, hàng ngàn xe tồn kho phơi mưa nắng, doanh nghiệp ô tô lớn nhất sàn chứng khoán làm ăn ra sao?- Ảnh 1.

Gian hàng của VEAM tại một triển lãm ô tô diễn ra tại TP HCM.

Theo website của VEAM, Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – Công ty Cổ phần (VEAM) tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ – Công ty Con, thuộc Bộ Công thương được thành lập ngày 12/5/1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

VEAM có 27 đơn vị thành viên. Các đơn vị thành viên của VEAM với trên 20.000 cán bộ công nhân viên là các công ty sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải. Trong số các đơn vị thành viên còn có 3 công ty chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị đáp ứng các nhu cầu của VEAM và đối tác khác.

VEAM là doanh nghiệp lớn nhất về quy mô và có truyền thống lâu dài về sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam. Với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất, các sản phẩm của VEAM như: máy cày, động cơ đốt trong (xăng và diesel), máy xay xát lúa và hộp số nuôi tôm được thị trường nội địa ưa chuộng và đã xuất khẩu.

TGĐ bị bắt, hàng ngàn xe tồn kho phơi mưa nắng, doanh nghiệp ô tô lớn nhất sàn chứng khoán làm ăn ra sao?- Ảnh 2.

VEAM là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải.

Vốn hoá VEAM đạt 2,5 tỷ USD

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu VEA đã chứng kiến đà tăng "chóng mặt". Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/6 đạt mức giá 47.500 đồng/cp, tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước. Trong vòng một tháng qua, thị giá của VEA đã tăng hơn 28%. Vốn hóa của công ty cũng đạt mức hơn 63.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD).

Mức vốn hóa này đưa VEAM trở thành doanh nghiệp giá trị nhất ngành ô tô cũng như là một trong những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán.

Lợi nhuận chủ yếu của VEAM đến từ phần vốn nắm giữ tại các liên doanh ô tô hàng đầu là Toyota Vietnam, Honda Vietnam và Ford Vietnam. Thậm chí vốn hóa của công ty này còn vượt cả Vietjet, SSI, VIB, Novaland...

Năm nay, VEAM lên kế hoạch kinh doanh công ty mẹ với tổng doanh thu 6.414 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2023 và dự báo lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 5.489 tỷ đồng. VEAM cho biết kế hoạch lợi nhuận này chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm.

Về tình hình hàng tồn kho của VEAM, theo một bài viết trên Vietnamnet, trong khuôn viên Nhà máy ô tô VEAM tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa dành một khoảng đất rộng để chứa hàng nghìn xe tải tồn kho từ lâu.

TGĐ bị bắt, hàng ngàn xe tồn kho phơi mưa nắng, doanh nghiệp ô tô lớn nhất sàn chứng khoán làm ăn ra sao?- Ảnh 3.

Khu đất rộng hơn 28 ha tại nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa có hàng ngàn xe ô tô VEAM hoen gỉ.

Một phóng sự của VTV cũng cho biết, bên trong khu đất rộng hơn 28 ha của nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa, hàng ngàn chiếc xe ô tô VEAM được xếp hàng ngay ngắn. Với nhiều chủng loại, đa dạng mẫu mã, từ xe tải nhỏ dưới 1 tấn đến các mẫu xe tải dưới 10 tấn, đều đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề.

Cỏ dại mọc xuyên thùng xe, ca bin, đầu xe hỏng hóc, thùng xe, khung xe hoen gỉ, các chi tiết máy móc bị bong tróc do phải phơi mưa, phơi nắng trong thời gian dài là hiện trạng của hơn 2.000 chiếc xe ô tô do Nhà máy ô tô VEAM sản xuất.

Thông tin tại đại hội cổ đông của VEAM năm 2019, số lượng ô tô tồn kho là 2.400 chiếc, trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Tháng 11/2021, VEAM thông báo thanh lý ô tô VEAM lần 1 với 2.290 xe tồn kho, giá khởi điểm gần 972 tỷ đồng. Tháng 12/2021, VEAM thông báo thanh lý ô tô VEAM lần 2 với 2.268 xe tồn kho, giá khởi điểm gần 963 tỷ đồng. Tháng 2/2022, VEAM thông báo thanh lý ô tô VEAM lần 3 với 2.257 xe tồn kho, giá khởi điểm gần 932 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 13/5/2024, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam lại thông báo đấu giá tài sản 2.177 xe do Nhà máy ô tô VEAM - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP ủy quyền.

Giá khởi điểm là hơn 503 tỷ đồng, giảm đáng kể so với những lần đấu giá trước đây.