Gần 30 năm lăn lộn với nghề ô tô, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) đã trải qua không ít thăng trầm trong kinh doanh đưa doanh nghiệp từ bờ vực phá sản thành thương hiệu phân phối Mercedes-Benz lớn nhất Việt Nam.
"SINH RA PHẢI BÁN Ô TÔ THÌ HỌC GÌ RA RỒI CŨNG BÁN Ô TÔ"
Trong một buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) cho biết Haxaco là mối duyên lớn trong cuộc đời mình. Ông Dũng đưa ra quan điểm: "Cuộc sống có số phận. 50% phụ thuộc vào số phận, 50% còn lại là phụ thuộc vào chính mình. Ông trời sinh ra mỗi người đều có một số phận, như tôi sinh ra phải bán ô tô thì học gì ra rồi cũng bán ô tô. Tôi nghĩ thế!".
Chia sẻ về số phận đưa đẩy bén duyên với ô tô, ông Dũng nhớ lại lần đầu tiên là khi ông vừa tốt nghiệp khoa tài chính kế toán của Đại học Thương mại, ra trường không xin được việc làm thì xin đi bán ô tô. Lúc đó bán ô tô rất khó vì đây là nghề mới, không ai làm, bản thân ông khi ấy cũng chẳng đam mê hay thích loại xe nào cả.
Tiếp đó, lần thứ 2, ông nghỉ công ty liên doanh ra ngoài kinh doanh xe nhập khẩu. Lúc đó chưa ai biết xe nhập là gì, nhưng đến khi ông làm, nó lại thành cơn sốt xe nhập, mọi người rất chuộng.
Lần thứ 3 là năm 2013, cũng là năm đầu tiên ông bước chân vào Haxaco, quỹ lương của ông lúc đó không còn đồng nào, cực kỳ khó khăn, ngân hàng nợ mấy chục tỷ, ông phải thế chấp cả nhà để trả cho ngân hàng.
Nhưng khi Tổng Giám đốc trước cắt của nhân viên 25% lương thì việc đầu tiên ông về làm là không cắt, từ Phó phòng trở xuống vẫn hưởng 100%, lỗ đâu ông chịu. Ngược lại, TGĐ chỉ nhận 25% lương, Phó TGĐ nhận 50%, các trưởng phòng nhận 80% lương.
Nhờ quy chế này mà ông qua được lúc khó khăn là vì tất cả các nhân viên của ông đều ủng hộ. "Đó là nhân quả thôi. Đó là tâm linh chứ không phải là cúng, phải đặt cái gì vào để thay đổi", Chủ tịch Haxaco chiêm nghiệm.
Ông Dũng kể trước khi vào Haxaco, ông không hề biết Haxaco là công ty nào. Thời gian đó làm ô tô ngoài Hà Nội cũng có tiền nên ông đầu tư mua cổ phiếu của Haxaco vì là doanh nghiệp cùng ngành ô tô.
Nhưng "càng mua giá càng giảm, tôi lại mua tiếp để bình quân giá, cứ như thế bị đắm vào cho đến khi cổ phiếu chỉ còn giá 4.500đ. Sốt ruột nên tôi mới bay vào TP.HCM vào gặp Haxaco khi đã cầm tới 6,7% để xem công ty là như thế nào?".
Vào đến nơi, ông Dũng mới tá hỏa nhận ra công ty đã thua lỗ đến một nửa, phá sản đến nơi rồi. HĐQT có 5 người thì phải có 6 phe, thậm chí công ty lúc đó đang rất lộn xộn và chẳng ai tiếp ông cả.
Khi ấy ông Dũng tự giới thiệu là cổ đông, muốn bán hết cổ phiếu, nhưng chẳng có ai mua cả. Cuối cùng, vì tiếc tiền đã đầu tư, ông đành bỏ tiền ra mua lại công ty. Ông Dũng được vào HĐQT, nắm cổ phần hơn 30 % nên giữ vị trí Tổng Giám đốc.
"Ngày đầu tiên làm TGĐ, cơ quan thuế đến gặp bảo các ông đang bị phạt mấy trăm triệu, phải nộp ngay lập tức không thì phải cưỡng chế. Ờ thì mấy trăm triệu có đáng bao nhiêu, thôi thì nộp.
Ngày thứ 2, ngân hàng lại bảo, nếu mai không có 20 tỷ giả ngân hàng thì phong tỏa hết. Tôi không biết làm thế nào, lúc ấy gấp đến mức độ tôi phải điện ra ngoài này thu xếp lấy 20 tỷ cho công ty vay để trả nợ, nếu phong tỏa thì không làm ăn được gì.
Không chuyển khoản được, bọn tôi phải chuyển qua hàng vàng vì chuyển khoản thì mai mới lấy được tiền. Xách tiền mặt ra nộp vào ngân hàng. Giải quyết được xong thì 3 ngày sau công an triệu tập lên giải quyết việc ban giám đốc cũ tham ô 20-30 tỷ.
May mắn của mình, đó là lúc ấy công ty ở đấy rồi, chỉ sau đó mấy tháng thì Mercedes ra sản phẩm mới. Đúng lúc tôi mua công ty thì một tháng chỉ bán 5 cái xe, đùng một cái 6 tháng sau có sản phẩm mới không có đủ để mà bán. Bán mấy chục xe/ tháng. Nó như cơn mưa xuống đúng lúc.
Một phần thì cũng phải do mình có năng lực, nhưng phần lớn là may mắn, vì nếu không có sản phẩm mới ra thì tôi trụ thêm được một năm nữa là cũng vứt xuống biển. Xe không bán được, mẫu cũ, muốn bán thì phải giảm giá rất nhiều.
Tôi mà vào Haxaco sớm 2 năm thì giờ có khi ra đường ở. Mình may mắn bám trúng cái đấy, lên đúng lúc lên".
BỮA CƠM MỘT MÌNH NGHẸN ĐẮNG
Để chèo chống, gây dựng, đưa Haxaco từ một doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản vươn lên tăng trưởng mạnh mẽ như ngày hôm nay, đó là những năm tháng đầy chông gai, thử thách, lấy đi của ông không ít mồ hôi, tiền của và sức lực.
"Ông trùm" xe Mẹc Việt Nam hồi tưởng về những ngày hè năm 2013, ông quyết định bỏ hết công việc ở Hà Nội để vào TP.HCM, cùng Ban lãnh đạo gỡ khó cho Công ty.
"Khi tôi mua Haxaco, một mình tôi vào Sài Gòn. Vì tôi sinh ra lớn lên ở Hà Nội, nhà cửa ổn định, bố tôi dứt khoát không cho vào. Thậm chí vợ bảo nếu vào sẽ bỏ. Nhưng một mình tôi vào Sài Gòn ở 4 năm, vực Haxaco lên đến ngày hôm nay. Đó là tự hào của tôi, là nỗ lực của tôi. Thời điểm đó mà không dám quyết thì…
Nói thật ở đây đang chăn ấm nệm êm, con cái các thứ, tôi vào Sài Gòn là sự hy sinh lớn. Là đàn ông mà nhiều khi nằm khóc không ngủ được, con ở nhà thì bé. Cơm tự nấu mà dọn ra không thể ăn được vì nó cứ nghẹn ở cổ".
Nhiều lúc ông cũng tự hỏi mình tại sao phải khổ như vậy? Nhưng mỗi người một quan điểm, ông vẫn luôn nói với lớp trẻ rằng quan trọng nhất là cái chí. Nếu không có ý chí như vậy, như cậu Phó Tổng ra Hà Nội nhìn nhà cửa và nhiều công ty khác của ông, cậu ấy ngạc nhiên không hiểu vì sao ông lại dám bỏ mọi thứ để vào Sài Gòn?
"Quá tam ba bận", nhưng ông Dũng cho biết ông còn may mắn đến lần thứ 4 khi lần này nhà nước thoái vốn, bán cổ phiếu không có ai mua. Không hiểu thế nào lúc đó ông quyết tâm mua, thế chấp nhà cửa mà mua, vừa mua xong thì chứng khoán sốt.
"Thế là nó cứ lên vù vù, từ 13.000, 14.000 lên 50.000/cổ phiếu. Ai mà biết được thời thế lại đảo chiều như vậy, tôi bán đi 1/3, thế là trả hết nợ" - Ông Dũng kể.