Ô tô Trung Quốc tích hợp DeepSeek, nỗi lo bị theo dõi càng đáng sợ

Các hãng ô tô Trung Quốc đang tiên phong tích hợp mô hình trí tuệ nhân tạo DeepSeek vào xe điện. Tuy nhiên, nỗi lo về việc bị theo dõi, lấy cắp thông tin người dùng càng đáng sợ.

Các mô hình V3 và R1 nguồn mở của DeepSeek ra mắt vào tháng 1/2025, đã thúc đẩy một làn sóng áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Các hãng ô tô Trung Quốc đang tiên phong tích hợp vào xe điện.

Geely, hãng ô tô Trung Quốc đầu tiên tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek vào các mẫu xe điện. Ngày 6/2/2025, Geely đã công bố mô hình AI do hãng tự phát triển, kết hợp với mô hình R1 của DeepSeek. Sau đó Zeekr, thương hiệu xe điện cao cấp của Geely đã công bố hoàn thành tích hợp AI Kr tự phát triển với DeepSeek R1 và trợ lý buồng lái có tên AI Eva. Những xe điện tích hợp mô hình này sẽ ra mắt trong thời gian sớm nhất.

xe2.jpg

DeepSeek đang bùng nổ về mức độ phổ biến tại Trung Quốc.​

Tiếp đến, các nhà sản xuất ô tô khác gồm Dongfeng, Changan, SGMW, GAC và GWM… đều đưa ra thông báo hoàn tất tích hợp tương tự. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu, hàng loạt nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác, dự kiến sẽ tích hợp DeepSeek lên xe trong thời gian tới để không bị tụt hậu.

Bằng cách tích hợp DeepSeek, các nhà sản xuất ô tô sẽ cải thiện các chức năng như tương tác bằng giọng nói tự nhiên hơn. Xe có thể hiểu lệnh bằng giọng nói của người dùng chính xác hơn; đạt được các cuộc trò chuyện dài hơn và hiểu ngữ cảnh; xác định chính xác hơn ý định của người lái; lặp lại phát triển nhanh hơn, để liên tục cải tiến mô hình AI.

Lợi ích thì rõ ràng nhưng đi kèm theo là những vấn đề đáng lo ngại. Tích hợp DeepSeek có thể giúp cho việc dọ thám người dùng tinh vi hơn, hiệu quả hơn và khó bị phát hiện hơn.

Trước khi DeepSeek ra đời, ô tô Trung Quốc đã là nỗi ám ảnh về việc theo dõi người dùng và hạ tầng. Các quốc gia như Anh, Mỹ, Úc… đã có nhiều cảnh báo cho thấy ô tô Trung Quốc theo dõi hạ tầng, nghe lén người sử dụng.

Vào giữa năm 2023, Chính phủ Anh đã cảnh báo, những công nghệ tích hợp trong ô tô điện của Trung Quốc, có thể được sử dụng để thu thập lượng thông tin khổng lồ, bao gồm dữ liệu vị trí, các bản ghi âm và cảnh quay video, đồng thời chúng có thể bị can thiệp từ xa và thậm chí bị vô hiệu hóa. “Đây là những sản phẩm có rủi ro cao. Chúng ta biết rằng Trung Quốc luôn suy nghĩ cho dài hạn”, một quan chức cao cấp trong Chính phủ Anh nói.

Chính phủ Mỹ cũng đã có cảnh báo: Từ dữ liệu của các mẫu xe điện Trung Quốc lăn bánh đường phố Mỹ, họ có thể tạo ra bức tranh phức tạp của cả khu vực lân cận, thậm chí các căn cứ quân sự trong đô thị, hay lịch trình của một bộ trưởng nội các... Nếu xe của Trung Quốc tràn ngập thị trường, chúng tạo ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Với hàng triệu phương tiện lưu thông trên đường, mỗi phương tiện có tuổi thọ từ 10 đến 15 năm, thì nguy cơ tăng lên đáng kể.

Tại Úc, một số chủ xe ô tô Trung Quốc đã phát hiện ra chiếc xe điện của mình có "cửa sau" giấu kín (backdoor), cho phép nhà sản xuất ô tô nghe lén các cuộc trò chuyện trên xe.

xe1 (1).jpg

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên Geely tích hợp trí tuệ nhân tạo DeepSeek vào các mẫu xe điện. Ảnh: Geely.​

DeepSeek vừa bùng nổ, ngay lập tức đã bị nhiều quốc gia tiến hành điều tra về bảo mật. Ở châu Âu, Ý là nước đầu tiên tiến hành điều tra, tiếp theo là Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh. Ngoài châu Âu, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc và quan trọng nhất là Mỹ, đều đã có động thái hạn chế hoặc giám sát chặt chẽ các hoạt động của DeepSeek.

Úc đã cấm DeepSeek trên tất cả thiết bị chính phủ theo khuyến nghị của cơ quan an ninh, viện dẫn các rủi ro về quyền riêng tư và phần mềm độc hại, do chương trình AI của Trung Quốc gây ra.

Lo ngại về việc thu thập dữ liệu người dùng và nguy cơ rò rỉ thông tin, nhiều bộ ngành của Hàn Quốc bắt đầu kiểm soát quyền truy cập DeepSeek. Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Năng lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin, Bộ Môi trường, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Công ty điện lực nhà nước Korea Hydro & Nuclear Power… đã chặn quyền truy cập vào DeepSeek trên các thiết bị làm việc của công chức.

Đài Loan cũng đã cấm những người làm việc trong khu vực công và trong các cơ sở hạ tầng quan trọng sử dụng DeepSeek, cho rằng ứng dụng này có thể gây nguy hiểm cho an ninh.

Nỗi lo sợ xung quanh việc DeepSeek dọ thám, theo dõi người dùng không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Khi ô tô Trung Quốc kết hợp với DeepSeek thì không khác gì “hổ mọc thêm cánh”.

Những hãng ô tô Trung Quốc đi đầu trong việc tích hợp DeepSeek vào xe, đều đã có mặt tại Việt Nam. Khi ô tô điện Trung Quốc tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều thì nỗi lo về những “chiếc máy dọ thám 4 bánh” cũng tăng lên.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp