Hiện nay với những quy định nghiêm minh về mặt luật pháp cùng với sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhiều người rất hiểu rằng: uống rượu bia khi lái xe sẽ bị xử phạt nặng. Nhiều người cũng biết rằng, uống rượu bia mà vẫn lái xe sẽ dẫn tới các nguy cơ tai nạn.
Phạt nghiêm lái xe có nồng độ cồn.
Thế nhưng không ít người “dở khóc dở cười” khi không thể từ chối được lời mời uống rượu bia của gia chủ ngày Tết đến Xuân về. Thậm chí với một số người cũng rất khó từ chối các cuộc vui có sử dụng chất có nồng độ cồn khi các cuộc liên hoan tất niên diễn ra.
Vậy làm thế nào để các lái xe từ chối lời mời uống rượu bia mà không làm mất lòng nhau? Tất nhiên trước hết vẫn giải thích về các nguy cơ lái xe khi đã uống rượu bia. Chẳng hạn như nguy cơ tai nạn, và bị xử phạt rất nghiêm khắc. Nghe xong chắc chắn nhiều người sẽ thông cảm mà không trách móc gì.
Tết nguyên đán là phong tục lớn của người Việt.
Tiếp đến thì các lái xe cũng nên tìm các giải pháp khác thay vì uống rượu. Thực tế ngày đầu xuân không nhất thiết đến chúc Tết nhau là phải uống rượu đâu. Vì từ xa xưa người Việt cũng có nhiều cái thay thế rượu.
Khoảng đầu thế kỷ 20, học giả Phan Kế Bình có biên khảo sách “Việt Nam phong tục” viết về nhiều tục lệ của người Việt từ lâu đời, trong đó có tục lệ mời nhau uống rượu và một số đồ uống khác vào dịp Tết nguyên đán.
Sách trên của Phan Kế Bính viết: “Anh em đến chơi với nhau, uống chơi chén rượu sen, rượu cúc, hoặc chén nước chè tàu, chè sen, hút điếu thuốc lào, hoặc uống rượu sâm banh, rượu sạc tời, rượu mùi, nhằn vài ba hạt dưa, ăn vài miếng mứt”.
Lấy chè thay rượu.
Uống rượu “chơi” thể hiện nét văn hóa đẹp, uống để vui với nhau, chứ không phải để uống say. Và nếu không nhận chén rượu đầu xuân thì cũng có thể uống chè thay rượu. Như thế vừa an toàn cho lái xe lại vừa làm vừa lòng nhau!
Điều quan trọng nữa là, các lái xe phải luôn luôn nâng cao ý thức chấp hành giao thông. Tuyệt đối không lái xe khi đã sử dụng rượu bia, và không uống rượu bia khi phải lái xe.