Nếu chính sách giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực, Kia Seltos sẽ có lợi thế hơn so với Toyota Corolla Cross |
Khi đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ được thông qua, không chỉ các doanh nghiệp mà người tiêu dùng trong nước cũng hưởng lợi, tiết kiệm được một khoản tiền tương đối khi mua xe ô tô.
Hiện, phí trước bạ với ô tô con dưới 9 chỗ ngồi hiện đang ở mức 10-12% tùy từng địa phương. Nếu chính sách giảm 50% phí trước bạ chính thức có hiệu lực sẽ giúp các hãng xe như Kia, Mazda, Hyundai, Toyota, VinFast thúc đẩy doanh số nhờ tiết kiệm được từ 20 cho tới gần trăm triệu đồng tiền phí trước bạ.
Đối với các thương hiệu, như Kia và Mazda do Thaco lắp ráp cũng đang chờ đợi chính sách hỗ trợ để chạy nước rút cho giai đoạn kinh doanh cuối năm. Bộ 3 xe Kia gồm Seltos, Cerato và Sorento sẽ được lợi khi Toyota Corolla Cross, Honda Civic hay Ford Everest nhập Thái không được nhận ưu đãi từ Chính phủ.
Tương tự là CX-5, CX-8 và Mazda3, các mẫu xe CKD đang đóng góp chính vào doanh số của Mazda Việt Nam.
Đồng thời, hãng xe Hàn Quốc sẽ có thêm lợi thế trong cuộc đua thị phần với Toyota. Nhiều dòng xe bán tốt của Toyota hiện được nhập khẩu và ít nhiều sẽ bị gặp bất lợi trước các đối thủ sản xuất trong nước, chẳng hạn như Corolla Cross, Camry, Hilux…
Toyota Vios là cái tên sáng giá nhất của hãng xe Nhật Bản nếu “Nghị định 70 mới” được áp dụng, trong khi Fortuner hay Innova từ lâu đã đánh mất phong độ.
Với VinFast, cả Fadil, Lux A2.0, Lux SA2.0 cùng mẫu SUV President đều được sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng và đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi từ Chính phủ. Hãng xe Việt trong vài tháng qua đã liên tiếp tung ưu đãi giảm giá, hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng, trong khi mức giá của 4 dòng xe VinFast nhìn chung đều cao hơn mặt bằng chung trong các phân khúc.
Ngoại trừ số ít mẫu xe nhập khẩu có doanh số không đáng kể, 6 dòng xe du lịch Hyundai của TC Motor hiện đều được lắp ráp tại Ninh Bình. Mức giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ là cơ hội tốt để Hyundai thu hút khách hàng với các sản phẩm luôn ở top bán chạy trong phân khúc.
Một vài dòng xe bán chạy khác nằm trong danh sách có thể được nhận hỗ trợ còn có Ford Ranger 2021 vừa chuyển sang lắp ráp trong nước, Honda City, Honda CR-V... Trong đó, Ranger mới được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp từ giữa năm 2021, vẫn đang là mẫu xe bán tải bán chạy nhất Việt Nam, có thể sẽ tận dụng cơ hội này để tiếp tục bỏ xa các đối thủ.
Riêng đối với thương hiệu Mitsubishi, trong 3 tháng gần đây doanh số Xpander giảm mạnh. Chương trình tặng quà và phí trước bạ của Mitsubishi không có nhiều hiệu quả khi đối tượng khách hàng mua Xpander để kinh doanh dịch vụ giảm mạnh trong mùa dịch.
Mercedes-Benz là mẫu xe được hưởng lợi nhất nếu chính sách này được thông qua |
Phiên bản Xpander AT lắp ráp trong nước vốn cũng không bán tốt bằng các model nhập khẩu. Vì vậy, dù chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ có được áp dụng thì Mitsubishi vẫn cần tự bổ sung khuyến mãi để kích cầu cho Xpander và các mẫu xe CBU khác như Attrage, Triton và Pajero Sport.
Với Suzuki, hiện hãng chỉ lắp các mẫu xe tải nhẹ còn lại nhập khẩu toàn bộ từ Thái Lan và Indonesia. Tương tự, Isuzu nhập khẩu toàn bộ các mẫu bán tải và SUV.
Ở phân khúc xe sang, chỉ có duy nhất Mercedes-Benz, với một số dòng xe lắp ráp trong nước, được hưởng ưu đãi này. Các thương hiệu không được hưởng ưu đãi bao gồm: Audi, BMW, Lexus, Infiniti, Volvo và cả MINI…
Trong khi đó, với phí trước bạ giảm 50%, nghiễm nhiên người mua xe Mercedes-Benz tiết kiệm “bèo bèo” trên dưới 100 triệu đồng cho phiên bản “giá rẻ” như C200, hơn trăm triệu đồng cho dòng E, GLC. Thậm chí một số phiên bản cao cấp được lắp ráp ở Việt Nam như S 450 Luxury, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được 250-298 triệu đồng.
Ở phân khúc xe hạng trung cao cấp, chỉ duy nhất Peugeot (hiện đang có hai mẫu crossover 3008 và 5008 cùng mẫu MPV Traveller lắp ráp trong nước nên được hưởng ưu đãi này). Trong khi đó, Volkswagen và Subaru không có mẫu xe nào thuộc diện ưu đãi.