Một cơ hội đối với xu hướng sử dụng xe đối với người dân và một hướng kinh doanh hoàn toàn mới cho các hãng xe tại Việt Nam khi lần đầu tiên dòng xe Motorhome hay còn gọi là Recreational Vehicle - dòng xe là nhà ở lưu động dành cho những người đam mê du lịch.
Dự thảo của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng An toàn kỹ thuật và Bảo vệ Môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2024/BGTVT) vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xong khâu thủ tục công bố lấy ý kiến nhân dân. Đáng chú ý trong bản dự thảo này, lần đầu tiên xuất hiện các tiêu chí đối với "dòng xe nhà ở lưu động" - một bước tiến mới trong hệ thống quy chuẩn của Việt Nam để phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người dân về dòng xe lý thú này.
Lần đầu tiên dòng xe nhà ở lưu động được xuất hiện trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng An toàn kỹ thuật và Bảo vệ Môi trường. Và dòng xe này sẽ được đăng kiểm để lưu hành nếu đủ điều kiện có trong quy chuẩn.
Theo nội dung dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng An toàn kỹ thuật và Bảo vệ Môi trường đối với ô tô, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều yêu cầu kỹ thuật đối với xe nhà ở lưu động - loại xe chở người chuyên dụng được thiết kế đáp ứng với không gian sống sinh hoạt và trang thiết bị tối thiểu.
Theo đó, số lượng người mà loại xe này được phép chở (kể cả người lái) tùy theo số chỗ ngủ được bố trí trên xe. Khoang sinh hoạt được yêu cầu chỉ sử dụng khi xe đang dừng/đỗ, với các trang bị tối thiểu gồm: Không gian ngủ (có thể được chuyển đổi từ ghế ngồi), bàn và ghế sinh hoạt, thiết bị nấu ăn, thiết bị vệ sinh và kho/tủ chứa đồ. Một số yêu cầu trong dự thảo đối với xe nhà ở lưu động gồm:
Các đồ vật, thiết bị hoặc phụ kiện trên xe không được có các cạnh sắc, góc nhọn và phải cố định vị trí để giảm thiểu nguy cơ gây thương tích. Quy chuẩn về ghế ngồi của xe nhà ở lưu động cần phải có dây đai an toàn, bố trí hướng về phía trước theo chiều tiến của xe, ghế xoay (nếu có) phải có cơ cấu khóa để định vị hướng ngồi khi xe di chuyển.
Giường, chỗ ngủ của xe cần được bố trí trong khoang sinh hoạt, riêng chỗ ngủ được bố trí phía trên khu vực chỗ ngồi của lái xe hoặc tầng trên có thể được cố định hoặc trượt hoặc tháo rời. Bề ngang tối thiểu của giường đơn là 480 mm, có thể chuyển đổi từ ghế ngồi; không gian ngủ phải có kết cấu lắp đặt cố định chắc chắn bằng đinh tán hoặc bắn vít/hàn vào sàn xe hoặc thành bên của xe.
Bàn sinh hoạt có vị trí lắp phải là cố định nhưng bàn có thể tháo rời hoặc gấp lại được, ghế sinh hoạt cũng phải có vị trí lắp đặt phù hợp với bàn; khi xe di chuyển, bàn và ghế phải được cố định chắc chắn bằng đinh tán hoặc bắt vít/hàn vào sàn xe hoặc thành bên của xe.
Xe nhà ở lưu động phải được trang bị ít nhất một cửa lên xuống ở bên phải hoặc phía sau, kích thước rộng x cao tối thiểu là 650 x 1.200 mm, chiều cao bậc lên xuống lớn nhất không vượt quá 400mm, chiều sâu bậc không nhỏ hơn 300mm và không được lắp đặt nhô ra khỏi mặt phẳng của chiều dài và chiều rộng lớn nhất của xe. Ngoài ra, xe phải trang bị ít nhất một cửa lên xuống riêng biệt vào khu vực sinh hoạt. Khu vực cửa cũng không bị che khuất bởi bất kỳ vật dụng nào như bàn, ghế hoặc khu vực bố trí chỗ ngồi.
Hệ thống điện phục vụ sinh hoạt phải được thiết kế độc lập về hệ thống điện chung của xe, được trang bị sẵn các thiết bị an toàn như cầu chì/Aptomat trước khi kết nối với nguồn cấp điện. Bộ lưu trữ điện dự phòng phải có dung lượng phù hợp để cấp điện cho các nhu cầu tối thiểu trong một khoảng thời gian nhất định. Hệ thống điện phục vụ sinh hoạt phải được tính toán, thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn chung của điện lưới để có thể kết nối cùng nhau khi xe đỗ. Bên cạnh đó, xe có thể lắp thêm các tấm pin điện mặt trời để cung cấp năng lượng cho khu vực sinh hoạt.
Các thiết bị thu hình hoặc hiển thị hình ảnh và thiết bị liên quan phải được lắp đặt chắc chắn ở vị trí có thể đảm bảo sẽ không: Che khuất tầm nhìn của người lái, cản trở việc di chuyển của người lái xe hoặc hành khách, làm tăng nguy cơ gây thương tích cho người trong xe, bố trí trong khu vực tầm nhìn của lái xe.
Hệ thống vệ sinh, nhà tắm (nếu có) có thể là dạng cố định hoặc di động, thiết bị vệ sinh phải đảm bảo chất thải, nước thải được thu vào thùng chứa. Ngoài ra, các bồn rửa hoặc vòi tắm phải đảm bảo nước thải cũng được thu vào một thùng chứa riêng (không lẫn với bồn chứa nước thải bồn cầu hoặc bồn tiểu). Thùng chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt phải được bố trí riêng biệt với khu thùng chứa nước thải, đảm bảo lắp đặt chắc chắn, dễ dàng tiếp cận để sửa chữa, có hệ thống van đóng mở và dễ dàng tiếp cận với nơi cấp nước sạch và xả ra bên ngoài.
Thiết bị nấu nướng có thể được bố trí lắp đặt bên trong hoặc bên ngoài tùy theo thiết kế xe. Nếu lắp bên trong, chúng phải được gắn chắc chắn bằng đinh ốc, hàn hoặc keo dán vào sàn xe và các thành bên của xe. Vị trí lắp đặt phải ở nơi thoáng khí, cách biệt với không gian sinh hoạt khác và có hệ thống thông gió ra ngoài.
Nhiên liệu sử dụng để nấu nướng phải phù hợp với công suất hệ thống năng lượng mặt trời, điện và thiết bị điện phục vụ cho sinh hoạt của xe. Không được sử dụng các loại nhiên liệu khí tự nhiên và khí hoá lỏng để làm nhiên liệu, đồng thời xe phải có hệ thống bơm nước sạch và bồn rửa phải được bố trí gần vị trí thiết bị nấu nướng.
Mỗi xe nhà ở lưu động phải được trang bị ít nhất hai bình chữa cháy tối thiểu 2kg mỗi bình, với một bình được bố trí gần khu vực ghế người lái và các bình chữa cháy còn lại phải được gắn chắc chắn trong không gian sinh hoạt.
Hệ thống LPG (khí hóa lỏng) phục vụ sinh hoạt phải có đường ống dẫn bọc bảo vệ chống mài mòn khi đi qua các vách ngăn, không được lắp đường ống qua không gian sinh hoạt và gần các bộ phận đánh lửa. Bình lưu trữ LPG phải được lắp đặt chắc chắn, tách biệt với khoang gian sinh hoạt, được thông gió và đáp ứng các quy định hiện hành; hệ thống LPG phục vụ sinh hoạt không được kết nối hoặc lấy nhiên liệu từ hệ thống nhiên liệu của động cơ.
Đây là một số yêu cầu nằm trong dự thảo quy chuẩn và sẽ có thay đổi khi được ban hành chính thức. Hiện tại, xe nhà ở lưu động đang được nhiều người Việt Nam sử dụng cho mục đích du lịch nhưng chủ yếu là các dạng xe hoán cải, thậm chí chưa đủ điều kiện đăng kiểm. Các quy chuẩn cụ thể đối với loại phương tiện này sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý dễ dàng hơn, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.