Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua có bổ sung khái niệm phương tiện giao thông thông minh.
Điều 34 của Luật nêu phân loại phương tiện giao thông đường bộ, trong đó quy định hương tiện giao thông thông minh là xe cơ giới cho phép tự động hóa một phần hoặc toàn bộ hoạt động điều khiển phương tiện, xác định lộ trình và xử lý tình huống khi tham gia giao thông đường bộ.
Để tham gia giao thông thường bộ, xe thông minh cần đáp ứng điều kiện tương tự như xe cơ giới, xe máy như được cấp chứng nhận đăng ký, gắn biển số, bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, đồng thời được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Khi tham gia giao thông đường bộ, đối với xe thông minh, người lái xe phải mang theo chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, phương tiện giao thông thông minh theo quy định.
Sau khi khái niệm phương tiện giao thông thông minh được đưa vào luật, hai đơn vị sản xuất xe tự hành là Alpha Asimov Robotics và Phenikaa-X xác nhận với chúng tôi sẽ lập tức nộp đơn xin thí điểm với Bộ Giao thông Vận tải.
Sản phẩm của Alpha Asimov là robot tự hành giao hàng ngoài trời lưu thông chung với phương tiện khác. Sản phẩm của Phenikaa-X là robotaxi dùng ô tô tự hành.
Ô tô đưa đón trẻ em phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ trên xe
Ngoài ra, Luật cũng quy định xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,59% tổng số đại biểu quốc hội); có 388 đại biểu tán thành (bằng 79,84% tổng số ĐBQH); có 32 đại biểu không tán thành (bằng 6,58% tổng số ĐBQH); 30 đại biểu không biểu quyết (bằng 6,17% tổng số đại biểu).
Luật có hiệu lực từ 1/1/2025.