Theo đề xuất của VAMM, mức hỗ trợ đổi xe máy cũ sang xe máy mới sẽ từ 2-4 triệu/chiếc. Lý do căn bản của đề xuất này là nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, cũng không ít người đang đặt câu hỏi rằng phía sau mục tiêu lớn là giảm ô nhiễm môi trường, đề xuất của VAMM chính là một "chiêu" kích cầu mạnh mẽ và hiệu quả thông qua chính sách.
Hãng xe máy kích cầu tiêu dùng?
Theo chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố" vừa được UBND thành phố Hà Nội công bố, những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền để đổi sang xe mới.
Cụ thể, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông. Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện sẽ được VAMM hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp.
Nguồn kinh phí này sẽ do VAMM chủ động cung cấp. Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, với số lượng ước tính khoảng 5.000 chiếc mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.
Nhận định về đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng, có thể nói nếu một người dân có 1 chiếc xe cũ đủ tiêu chuẩn để được đổi sẽ được ưu đãi 2-4 triệu đồng, mức ưu đãi không nhỏ nhưng cũng chẳng lớn nếu so với các chương trình khuyến mại mà chính các thành viên VAMM đang áp dụng.
Điểm khác biệt giữa việc hãng xe phải tự khuyến mãi với chương trình đổi xe này có lẽ là khách hàng không phải bỏ chiếc xe cũ của mình, còn hãng xe tiết kiệm được chi phí tuyên truyền khi được thành phố hỗ trợ. Nếu không có chương trình này để đẩy hàng tồn và kích cầu doanh số hãng cũng phải giảm giá xe.
Trên thực tế, trong khi bối cảnh sức mua thị trường yếu và việc cạnh tranh giữa các sản phẩm cùng một phân khúc cũng là yếu tố quan trọng khiến giá cả sản phẩm giảm theo.
Chẳng hạn, với Yamaha từ 01/8/2020 đến 31/10/2020, khách hàng mua các dòng xe ga như Grande, Janus được nhận ngay một khoản tiền mặt 2 triệu đồng/xe hay như Honda tặng khách mua xe Winner X từ ngày 01/9/2020 đến hết ngày 30/11/2020 số tiền hỗ trợ đăng ký 4 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết quy định kiểm tra khí thải, kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy đang được đưa vào luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Trong đó, việc hỗ trợ người dân đổi xe cũ lấy xe mới phù hợp với tinh thần của các chính sách khuyến khích nâng cao an toàn phương tiện và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường. Đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường sẽ được các sở, ngành liên quan góp ý trước khi trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, với số lượng khoảng 2,5 triệu xe gắn máy cũ đang lưu thông trên địa bàn Hà Nội, chi phí để thực hiện sẽ rất lớn, khó khả thi. Do đó, giống như chương trình tặng mũ bảo hiểm cho người dân mà Honda đã thực hiện, nên có cách làm hợp lý trên quy mô vừa phải.
Bước đầu, các hãng xe sẽ tài trợ một phần chi phí đổi xe cho người dân như một cách thí điểm, mục tiêu là tạo tâm lý cho người dân muốn thay đổi phương tiện, hiểu được ý nghĩa của việc này. Sau đó, Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua các chính sách giảm thuế, phí… vì đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tương lai nào cho lộ trình cấm xe máy tại Hà Nội?
Theo phương án trên, về mặt tích cực, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, quản lý được thời hạn hoạt động và mức độ khí thải của các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp lâu dài nhằm giải quyết triệt để vấn đề mà chỉ là giải pháp tạm thời.
Bởi lẽ, việc đổi xe cũ lấy xe mới với số tiền hỗ trợ còn quá thấp, giá trị của phương tiện giao thông mới còn cao gấp nhiều lần so với số tiền hỗ trợ như nêu trên nên việc khuyến khích người dân thực hiện theo phương án này là khó khả thi.
Mặt khác, theo quy định, đối với phương tiện xe cơ giới cũ, hết “đát”, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi hoặc phương tiện sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi, xử phạt nếu tham gia giao thông. Do đó, trong thời gian đề án tăng cường giao thông công cộng chưa đạt được tới mục tiêu thay thế phương tiện cá nhân, người dân vẫn còn phải sử dụng xe 2 bánh thì nhà sản xuất có thể hỗ trợ các trường hợp phương tiện cũ phải thu hồi và có nhu cầu mua phương tiện mới. Mục tiêu không phải khuyến khích đổi xe cũ lấy xe mới.
Trên thực tế, cả Hà Nội và TP.HCM dều đang nghiên cứu đề án hạn chế phương tiện cá nhân và đưa ra đề xuất xây dựng phương án cấm xe máy theo lộ trình 3 giai đoạn 2019-2025, 2026-2030 và sau năm 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là cấm xe máy vào khu vực nội đô, giảm tỷ lệ xe máy lưu thông để giảm ùn tắc (song song với phương án thu phí ô tô). Việc đổi xe máy cũ có thể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ phát thải từ xe máy không đạt tiêu chuẩn, song có đi ngược chủ trương hạn chế dần phương tiện cá nhân?
Nếu chương trình nhận này được sự hưởng ứng từ người dân, loạt xe cũ đổi hết sang xe mới thì số lượng xe máy lưu hành ở Hà Nội sẽ giảm bằng cách nào để còn cửa cho phương tiện công cộng như xe buýt, minibus, buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng, một số phương tiện giao thông khác… phát triển?