Cấm xe máy xăng tại Hà Nội: Cần có lộ trình chuyển đổi hỗ trợ người dân

Từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong Vành đai 1, tuy nhiên tính khả thi của lộ trình đang đặt ra nhiều thách thức cả về hạ tầng, chính sách và năng lực đáp ứng của người dân.
Cấm xe máy xăng tại Hà Nội: Cần có lộ trình chuyển đổi hỗ trợ người dân

Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20, trong đó yêu cầu Hà Nội thực hiện hàng loạt biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường. Trong đó nội dung đáng chú ý, Hà Nội chấm dứt xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.

Tiếp đó, từ 1/1/2028, Hà Nội sẽ bắt đầu hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng, dầu trong Vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, việc hạn chế sẽ mở rộng với toàn bộ phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch trong khu vực đường Vành đai 3.

Trước đó, Hà Nội đã có bước chuẩn bị với kế hoạch thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) từ năm 2025 tại các khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm và Ba Đình cũ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, động thái trên cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giảm phát thải từ giao thông - lĩnh vực vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phát thải đô thị và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Tính khả thi của lộ trình đang đặt ra nhiều thách thức cả về hạ tầng, chính sách và năng lực đáp ứng của người dân.

Ông Phan Thanh Uy – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh nhằm giúp giảm ô nhiễm không khí, nhất là không khí tại các đô thị lớn như TP.Hà Nội và TP.HCM là phù hợp với xu hướng của tương lai.

Tuy nhiên, lộ trình tại TP.Hà Nội để áp dụng từ tháng 7/2026 đối với vùng lõi là khó khả thi, tác động rất lớn tới xã hội. Ngoài ra, mạng lưới phương tiện công cộng của TP.Hà Nội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, mới chỉ đáp ứng được hơn 10%. Do đó, theo ông Uy, Hà Nội cần xây dựng lộ trình dài hơi để thay đổi theo từng giai đoạn.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đánh giá đây là một động thái tích cực và cần thiết, phản ánh quyết tâm của Chính phủ nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, ông Tùng cũng chỉ rõ khoảng thời gian chưa đầy 2 năm là rất ngắn để Hà Nội chuẩn bị về mọi mặt. “Sẽ có hàng triệu xe máy buộc phải thay thế hoặc chuyển đổi. Câu hỏi đặt ra là người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ như thế nào để không bị ảnh hưởng quyền di chuyển”

Theo ông Tùng, việc cần gói hỗ trợ tài chính từ Nhà nước thì những chương trình ưu đãi cho xe điện của các doanh nghiệp là rất cần thiết để giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các phương tiện xanh như xe máy điện. Việc quy hoạch, bố trí hợp lý các điểm sạc công cộng – đặc biệt trong khu dân cư và khu vực trung tâm sẽ giúp đảm bảo tính khả thi khi cấm xe chạy xăng.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các loại hình giao thông công cộng như metro, xe buýt điện và BRT để người dân có thêm lựa chọn thay thế phương tiện cá nhân. “Chuyển đổi phương tiện chỉ là bước đầu. Giao thông công cộng hiện đại mới là giải pháp dài hạn giúp thay đổi thói quen đi lại và giảm áp lực môi trường bền vững hơn.”

Có thể thấy, việc cấm xe xăng trong nội đô Hà Nội là một định hướng lớn trong mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để chủ trương lớn này đi vào cuộc sống, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, kỹ thuật, hạ tầng và đặc biệt là truyền thông hiệu quả với người dân - những người trực tiếp chịu ảnh hưởng và cũng là nhân tố quyết định thành công của chính sách.