10 mẫu xe đã làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô

Ngành công nghiệp ô tô thế giới đã trải qua hàng trăm năm với nhiều biến động và có những cột mốc đáng nhớ.

Dưới đây là 10 mẫu xe đã đặt nền móng và đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của ngành công nghiệp ô tô hiện đại.

Ford Model T (1908) 

Ford Model T là một trong những chiếc ô tô giá cả phải chăng đầu tiên được sản xuất hàng loạt. Mức giá chỉ 250 USD thời đó (tương đương 6,2 triệu VNĐ hiện nay) đã giúp Model T tạo ra cuộc cách mạng về việc sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển. 

Cung cấp sức mạnh cho xe chỉ là động cơ 2,9 lít 4 xilanh cho công suất 20 mã lực và vận tốc tối đa của chiếc xe đạt hơn 72 km/giờ, nhưng chừng đó cũng đủ để người tiêu dùng xếp hàng chờ tới lượt mua.

Bugatti Veyron (2005)

Bugatti Veyron không chỉ được coi một tượng đài trong làng xe thế giới mà còn là chiếc siêu xe đã xác lập kỷ lục tốc độ đầu tiên, mở đường cho các siêu xe tiếp theo như Porsche 918 và LaFerrari. 

Cung cấp sức mạnh cho Bugatti Veyron khi đó là khối động cơ W16 (16 xi-lanh), dung tích 8.0L kết hợp cùng 4 bộ tăng áp. Động cơ này sản sinh công suất 1.001 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.250 Nm ở ngưỡng tua 2.200 đến 5.000 vòng/phút, giúp Veyron tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 2,5 giây. Tốc độ tối đa đạt được là 407 km/h. 

Audi Quattro (1980)

Vào tháng 3/1980, mẫu xe hơi trứ danh Audi Quattro đã chính thức ra mắt. Quattro đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng trong lĩnh vực xe ô tô thể thao và thống trị trên nhiều đường đua những năm 80.

Audi Quattro là mẫu xe được trang bị hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian đầu tiên sản xuất hàng loạt, biến công nghệ 4WD trở thành xu hướng trong ô tô thông thường. 

Tesla Model S (2013)

Dù không phải là chiếc xe điện đầu tiên, Tesla Model S vẫn là chiếc ô tô mở ra kỷ nguyên cho xe điện hiện đại. Xe có phạm vi hoạt động lên đến 402 km/sạc.

Với số lượng bán ra khổng lồ, Model S đã chứng tỏ là một sản phẩm mang lại lợi nhuận cho Tesla. Từ đó, ngày càng có nhiều mẫu xe điện tiên tiến khác được “nối gót” ra đời.

Ford Mustang (1964)

Ford Mustang là một biểu tượng trong làng xe hơi thể thao Mỹ, xuất hiện lần đầu vào năm 1964. Với thiết kế ấn tượng và hiệu suất vận hành mạnh mẽ, Mustang đã trở thành một biểu tượng về tốc độ và phong cách cho đến tận ngày hôm nay.

Sau vài thập kỷ, các đối thủ chính như Chevrolet Camaro và Dodge Challenger đã bị tuyên bố khai tử, thế nhưng thế hệ thứ 7 của Ford Mustang vẫn tạo được chỗ đứng trong lòng người đam mê tốc độ, đặc biệt với những phiên bản cao cấp như Mustang Dark Horse hay Mustang GTD.

BMW M5 (1985)

Ra mắt lần đầu trước công chúng trong khuôn khổ Triển lãm xe hơi Amsterdam năm 1984, thế hệ đầu tiên của M5 được phát triển dựa trên kết cấu khung gầm của chiếc 535xi và các chi tiết khí động học thừa hưởng từ mẫu M535i. 

Cung cấp sức mạnh cho BMW M5 khi đó là động cơ M88/3 6 xi lanh thẳng hàng, dung tích 3,5 lít cho sức mạnh 286 mã lực được phát triển từ mẫu động cơ đua trang bị trên chiếc M1 huyền thoại. Với sức mạnh ưu việt, chiếc M5 thế hệ đầu tiên chỉ mất 6,5 giây để tăng tốc từ 0 - 100km/h và trở thành chiếc sedan thương mại nhanh nhất khi đó.

Pontiac GTO (1964) 

Pontiac GTO là một trong những mẫu xe đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định vị trí của dòng xe cơ bắp trên thị trường ô tô những năm 60.

Được giới thiệu lần đầu vào năm 1964, GTO hướng đến đối tượng các khách hàng trẻ tuổi. Pontiac tạo ra GTO như một “con quái vật hiệu suất” trên đường phố với động cơ V8 6.4L mạnh mẽ cho công suất đạt 325 mã lực và mô men xoắn 580 Nm.

Volvo PV544 (1959)

Volvo PV544 là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được trang bị dây an toàn ba điểm, một phát minh quan trọng về an toàn ô tô. 

Nils Borin, kỹ sư của Volvo, người đã phát minh ra dây an toàn 3 điểm này khi đó đã quyết định công bố bằng sáng chế miễn phí để lan tỏa lợi ích của nó trên toàn thế giới. 

Thiết kế này hiện trở thành chuẩn mực cho mọi chiếc xe và cứu sống hàng triệu con người trong các vụ tai nạn.

Saab 99 Turbo (1978)

Saab 99 Turbo là mẫu xe mở ra kỷ nguyên của xe tăng áp, công nghệ này sau đó được áp dụng rộng rãi trong các dòng xe thể thao và xe đua.

Theo đó, xe được trang bị động cơ tăng áp 2.0L cho công suất 145 mã lực và mô men xoắn 235 Nm.

Jeep Wagoneer (1963)

Jeep Wagoneer 1963 là một chiếc xe tiên phong về nhiều mặt. Đây vừa là chiếc SUV đầu tiên rộng rãi, có khả năng offroad, đặc biệt xe còn có hệ thống treo và hộp số tự động. 

Đây được coi là mẫu xe mở ra kỷ nguyên của dòng xe gầm cao đang phổ biến trên thị trường hiện nay.

TH (Tuoitrethudo)