Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 9-2024, có 2.174 ô tô bán tải được bán ra, tăng nhẹ 7% so với tháng 8, khá thấp so với mức tăng 45% của toàn thị trường. Tính chung 9 tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ 193.854 ô tô, trong đó chỉ có 15.086 chiếc bán tải.
Diễn biến này khá lạ bởi những năm trước, doanh số xe bán tải thường ở mức khá. Mẫu Ford Ranger năm 2023 đạt doanh số hơn 2.000 chiếc/tháng, còn năm nay giảm một nửa. Mẫu Triton của Mitsubishi trong tháng 9 chỉ ghi nhận doanh số 360 chiếc và cộng dồn 9 tháng là 1.641 chiếc. Hãng Nissan thậm chí còn ngại công bố số lượng xe Navara bán ra bởi quá ế ẩm. Hãng Mazda sau khi chỉ bán được 5 chiếc trong những tháng đầu năm nay thì đã âm thầm ngưng bán mẫu bán tải BT-50 tại thị trường Việt Nam.
Ông Hà Văn Thanh, chủ cửa hàng ô tô Thanh Hà (TP HCM), cho biết thời điểm trước dịch COVID-19, thị trường xe bán tải khá nhộn nhịp vì đây là dòng xe đa năng, vừa chở được nhiều người vừa chở được hàng hóa.
Ngoài ra, dòng xe này có ưu thế là chạy được trong nội thành mà không bị giới hạn khung giờ cấm lưu thông như xe tải; được chạy trên cả làn dành cho xe tải và xe du lịch trên quốc lộ. Đặc biệt, nhiều mẫu xe bán tải có mức giá khá hợp lý, thấp hơn các mẫu xe du lịch thông thường nên được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, gần đây, thị trường xe bán tải không còn nhộn nhịp bởi nhiều nguyên nhân. Theo ông Trần Hoàng Thông - chuyên buôn bán ô tô tại TP Thủ Đức, TP HCM - từ năm 2020, lệ phí trước bạ đối với ô tô bán tải tăng lên mức 6% - 7%, tùy khu vực, khiến dòng xe này giảm sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, chính sách mới quy định xe bán tải có khối lượng chuyên chở dưới 950 kg, thay vì dưới 1,5 tấn như trước đây và chỉ có hạn sử dụng 25 năm.
Đáng chú ý, cũng do quy định mới về tải trọng nên các hãng xe phải thiết kế lại xe bán tải cho phù hợp, khiến giá xe bị đẩy lên cao hơn đến vài trăm triệu đồng so với trước. Theo ghi nhận, mẫu xe bán tải có giá thấp nhất thị trường hiện cũng khoảng 700 triệu đồng/chiếc, các bản cao hơn có giá hơn 1 tỉ đồng.