Liên minh quy tụ nhiều nhà sản xuất pin như: CATL, FinDreams Battery (của BYD), CALB, Svolt, EVE Energy, Gotion High-tech, Nio, BYD…
Một số thành viên chủ chốt của chính phủ cũng tham gia, bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản của Hội đồng Nhà nước và Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia.
Liên minh CASIP đặt mục tiêu phát triển và sản xuất pin thể rắn có thể cạnh tranh trên toàn cầu, lấy các công ty Trung Quốc là trung tâm trong chiến lược và hướng đi của mình, một phần cũng là để thách thức Nhật Bản và phương Tây trong lĩnh vực công nghệ pin lưu trữ có thể cách mạng hóa thị trường xe điện.
Pin thể rắn là công nghệ mà gần như tất cả các hãng xe lớn trên thế giới đều đang đổ dồn nguồn lực để phát triển. Nhờ có mật độ năng lượng cao hơn, pin thể rắn có khả năng lưu trữ điện năng gấp khoảng 3 lần so với pin lithium-ion truyền thống có cùng trọng lượng. Do đó, có thể nhận định thương hiệu nào dẫn đầu về công nghệ pin thể rắn cũng sẽ dẫn đầu tương lai nền công nghiệp xe điện.
Không chỉ Trung Quốc đẩy mạnh phát triển pin thể rắn, bên ngoài quốc gia này cũng có những tin tức đầy hứa hẹn về công nghệ pin thể rắn.
Hồi cuối năm 2022, công ty QuantumScape của Mỹ (có các nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn Volkswagen), đã công bố rằng họ đã sản xuất được một nguyên mẫu pin thể rắn. Tập đoàn Volkswagen năm 2021 cũng từng tuyên bố sẽ sử dụng pin thể rắn vào năm 2025, trong khi Hyundai Motor và BMW đã công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt pin thể rắn vào năm 2030.
Trong khi đó, Toyota cũng đang là công ty nắm giữ nhiều bằng sáng chế nhất liên quan đến công nghệ pin thể rắn. Hãng xe cũng hứa hẹn sẽ ra mắt ô tô điện chạy pin thể rắn trong thời gian tới.
Chính vì thế, sẽ vẫn còn khá sớm để nhận định các công ty Trung Quốc có thể vượt mặt Nhật Bản, Mỹ... để dẫn đầu xu hướng, đưa pin thể rắn ra thị trường sớm nhất hay không.
TH (Tuoitrethudo)