Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản đối các biện pháp chống trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe điện do nước này sản xuất.
Đây là lần thứ hai Bắc Kinh đệ đơn kiện lên WTO về các biện pháp chống trợ cấp từ phía EU. Lần trước là vào tháng 8, khi EU công bố sẽ bổ sung thuế nhập khẩu đối với ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này không công nhận và không chấp nhận phán quyết cuối cùng của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp thuế bổ sung đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước.
Việc EU áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, với mức thuế lên đến 45,3% kéo dài trong vòng 5 năm, chính thức có hiệu lực từ ngày 31/10, trong đó, mức thuế suất cụ thể tùy thuộc vào từng hãng xe. BYD chịu thuế 17%, Geely là 18,8%, trong khi SAIC thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc chịu mức cao nhất là 35,3%. Khi cộng thêm thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% của EU, các mức thuế này tăng lên lần lượt thành 27%, 28,8% và 45,3%. Những công ty khác sản xuất xe tại Trung Quốc như Volkswagen và BMW chịu thuế suất 20,7%, còn Tesla là 7,8%.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, thuế nhập khẩu của EU vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO và làm ảnh hưởng đến việc hợp tác toàn cầu về giải quyết biến đổi khí hậu.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU hiện đang leo thang, thậm chí đã lan sang các dòng sản phẩm khác như rượu mạnh, sản phẩm từ sữa và hóa chất.