Thuộc phân khúc hatchback cỡ B, BYD Dolphin được đánh giá là một chiếc xe phù hợp lối sống đô thị vì đủ nhanh, an toàn và dễ đỗ. Đó cũng là lý do khiến Chris Johnson, phóng viên của The Driven, trang chuyên về xe điện của Úc, đổi từ xe xăng sang BYD Dolphin bản Premium.
Dolphin là một trong 3 mẫu xe đầu tiên của BYD được giới thiệu ở Việt Nam. Dolphin sẽ ra mắt tại thị trường Việt Nam với 1 phiên bản GLX. Xe sử dụng pin công suất 44,9 kWh, giúp xe đạt đến tầm vận hành tối đa 405 km. Tốc độ tối đa của xe đạt 150 km/h.
Tuy nhiên, những người sở hữu ô tô dù ít dù nhiều cũng sẽ có lúc lái xe đi đường xa, đặc biệt là nhu cầu về quê thăm người thân. Do đó, dù là xe cỡ B, nhưng cũng nhiều người quan tâm liệu BYD Dolphin có phù hợp để đi xa, đặc biệt là đi đường nông thôn hay không.
Là phóng viên về xe, Chris Johnson cho biết anh thường lái Tesla Model Y mỗi khi cần đi đường nông thôn. Nhưng trong một lần đi xa kết hợp với công việc, anh đã thử lái BYD Dolphin thay vì Tesla.
Hành trình này bao gồm đi qua tuyến đường Indian Ocean Drive từ Perth đến Jurien vốn bị xem là một trong những "điểm đen" về an toàn đường bộ ở Úc. Bởi còn đường uốn lượn qua những ngọn đồi có nhiều góc khuất, những khúc cua dài và không có nhiều làn để vượt hay tránh nhau.
Vậy BYD Dolphin đã "xử lý" cung đường này như thế nào?
Vấn đề đầu tiên là lốp Linglong Comfortmaster nguyên bản trên BYD Dolphin. Johnson cho biết cảm giác "bị mất lực kéo khi tăng tốc (vừa phải) ở chế độ Eco Power, trong điều kiện tốt". Đặc biệt khi trời đổ mưa ở Perth, độ bám đường càng giảm.
Thực tế, Johnson không phải người đầu tiên phàn nàn về lốp Linglong Comfortmaster. BYD dường như đã tiếp thu nên có kế hoạch tung ra Atto 3 mới với bộ lốp hợp lý hơn. Johnson kỳ vọng Dolphin cũng được như vậy.
Johnson đã đi khoảng 40km đường cao tốc với tốc độ phổ biến 100km/h. Anh đánh giá tiếng ồn vọng vào cabin "rất nhỏ". Khi sang mặt đường mới làm, còn gồ ghề và nhiều đá dăm, tiếng ồn vọng vào cabin khá rõ khi xe chạy ở tốc độ trên 90km/h. Johnson đánh giá là ồn hơn nhiều so với khi lái xe Tesla.
Tiếng ồn trở nên tệ hơn khi có gió mạnh. Âm thanh trong cabin dường như "bị nhiễu".
Về mặt tích cực, cảm giác lái BYD Dolphin khá tốt, thậm chí thích hơn Tesla. Nhưng hành khách sẽ thích hơn cả. Bởi chiếc xe đã "là phẳng" các điểm không hoàn hảo của mặt đường. "Không có cảm giác như đang ngồi trong một chiếc xe go-kart. Khá tốt với một chiếc xe ngắn hơn Hyundai i30", Johnson đánh giá.
Chiếc xe cũng có cảm giác khá "đầm", không bị lắc khi vào cua. Có lẽ là nhờ trọng lượng khá nặng so với một chiếc hatchback hạng B (khoảng 1.700- 1.750kg, so với Mazda2 hatchback nặng khoảng 1.050kg).
Không chỉ lái một mình hay với đồng nghiệp cùng thử xe khác, phía sau Johnson chở một nữ hành khách. Người này cho nhận xét cảm thấy ngồi trong BYD Dolphin khá thoải mái nhờ điều hòa tản hơi lạnh khá êm, không cảm thấy bị "sốc nhiệt".
Hệ thống an toàn chắc chắn không thể bỏ qua khi lái một chiếc xe hơi hiện đại. BYD Dolphin được trang bị nhiều công nghệ hỗ trợ người lái, đặc biệt là Kiểm soát hành trình thông minh (Intelligent Cruise Control - ICC) được xem là hiệu quả như Autopilot của Tesla.
Ga tự động thích ứng (Active Cruise Control - ACC) hoạt động khá tốt, duy trì khoảng cách không đổi khi tốc độ thay đổi. Nhưng ICC cũng gặp một chút khó khăn khi lái sau xe tải ở các góc cua. Nhưng nhìn chung "gần như hoàn hảo trên con đường rộng mở".
Johnson đánh giá ICC của BYD Dolphin tốt ngang ngửa Autosteer của Tesla vào năm 2021. Anh đã bật ICC suốt hành trình khứ hồi mà không cần phải can thiệp. Nhưng Johnson cũng không loại trừ khả năng do đường mới làm, vạch đường rõ ràng, nên hệ thống nhận diện cũng tốt hơn. Chưa rõ hệ thống còn giữ mức độ ổn định này với những con đường phức tạp hơn, cũ kỹ hơn không.
Hệ thống giám sát điểm mù hoạt động tốt khi chuyển làn. Nhưng hệ thống kiểm soát hành trình "hơi vụng về".
Gió khiến cho Johnson khó đưa ra ước lượng về mức tiêu thụ năng lượng. Nhưng trung bình vào khoảng 17,1kW điện cho 100km với tốc độ phổ biến 90-105km/h. Con số này phù hợp với thông tin hiển thị trên EV Database (trang chuyên về cơ sở dữ liệu về xe điện), nhưng hiệu quả thấp hơn khoảng 10-15% so với xe Tesla.
Dù vậy, nhìn chung, Johnson đánh giá BYD Dolphin là một chiếc hatchback điện hạng B có thể đi đường dài. Theo khuyến cáo của anh, nên sạc sau khi đi được khoảng 300km, thậm chí thấp hơn nếu là người cẩn thận, dù thông số nhà sản xuất đưa ra là 405km/sạc đầy (chuẩn NEDC của châu Âu).
"Tesla có nhiều không gian bên trong hơn, phù hợp những ai mang nhiều hành lý. Nhưng cốp xe dạng sàn phẳng của Dolphin với hàng ghế sau gập xuống cũng rộng rãi cho những ai thích mang cả theo cả thế giới mà chỉ lái một chiếc xe nhỏ. Không gian cốp này đủ lớn cho bộ dụng cụ cắm trại đầy đủ dành cho hai người. Đừng quên mang theo bếp điện, bởi xe có chế độ V2L trở thành ổ điện tiện dụng cho những ai muốn hạ trại", Johnson kết luận.