Theo báo cáo của Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ CCC Intelligent Solutions, hiện nay, cứ 5 chiếc xe bị tai nạn thì có 1 chiếc bị các công ty bảo hiểm xem là "hỏng nặng" và phải bán phế liệu. Tỷ lệ này đã tăng gấp 5 lần so với năm 1980. Các chuyên gia dự đoán con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên đến 30% khi xe hơi ngày càng được tích hợp nhiều công nghệ phức tạp.
Nguyên nhân chính được chỉ ra là chi phí sửa chữa hệ thống ADAS quá cao, khiến các công ty bảo hiểm nhận thấy việc sửa chữa là không kinh tế. Để các tính năng an toàn như phanh tự động hay hỗ trợ giữ làn đường hoạt động, hệ thống ADAS đòi hỏi nhiều cảm biến và camera. Việc thay thế và hiệu chỉnh lại toàn bộ hệ thống sau tai nạn có thể đội thêm hàng nghìn USD vào chi phí sửa chữa. Điều này khiến cho giá sửa chữa xe vốn đã tăng cao do chi phí nhân công và vật liệu ngày càng đắt đỏ, nay lại càng trở nên "đau ví" hơn.
Mặc dù xe điện (EV) có chi phí sửa chữa cao, nhưng tỷ lệ xe EV bị xem là "hỏng nặng" vẫn thấp hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định tình trạng này có thể sẽ thay đổi do giá trị xe EV đang giảm mạnh. Xu hướng giảm giá này cũng khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là những ai đã mua xe điện với giá cao trong thời kỳ đại dịch và hiện đang nợ nhiều hơn giá trị thực của xe.
Trong bối cảnh này, các công ty đấu giá xe phế liệu như Copart đang hưởng lợi. Bloomberg cho biết cổ phiếu của Copart đã tăng 23% trong năm qua và tăng đến 1.110% trong một thập kỷ.
Nếu dự đoán của Copart về việc tỷ lệ xe bị hỏng nặng tăng từ 21% lên 30% trở thành sự thật, hoạt động kinh doanh của những công ty như Copart sẽ còn tiếp tục bùng nổ. Ít nhất là cho đến khi các nhà sản xuất ô tô tìm ra cách để đơn giản hóa hệ thống ADAS, qua đó giảm thiểu chi phí sửa chữa và giảm số vụ tai nạn một cách đáng kể.
Có lẽ sau đó, cuối cùng chúng ta sẽ thấy giá bảo hiểm tăng chậm lại, vốn đã tăng 21% trong một năm.